Vĩnh Phúc: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở y tế

Thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng ứng dụng công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động quản lý và công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Vĩnh Phúc: Tập huấn chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi cho các cán bộ, quản lýVĩnh Phúc: Xe Audi A6 biến dạng sau va chạm với ô tô tải trên cao tốc Nội Bài - Lào CaiVĩnh Phúc: Nối chân thành công cho người bệnh không may bị máy cưa cắt đứt lìa
Chuyển đổi số ngành Y tế  Vĩnh Phúc - cơ hội và thách thức
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trình bày chuyên đề Chuyển đổi số ngành Y tế Vĩnh Phúc

Vừa qua, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế Vĩnh Phúc”. Tại đây, các chuyên gia đã báo cáo thực trạng, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành.

Đáng chú ý, các chuyên gia cho biết, do nền tảng cấu trúc dữ liệu và công nghệ khác nhau nằm rải rác ở các đơn vị đang gây khó khăn trong việc thực hiện việc kết nối dữ liệu phục vụ cho quản lý và mất nhiều thời gian khi khai thác số liệu. Việc tạo lập cơ sở dữ liệu ngành Y tế sẽ hỗ trợ công tác tổng hợp, thống kê, báo cáo nhanh chóng, thuận lợi, chia sẻ dữ liệu cho các cơ sở y tế phục vụ điều trị khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn ngành.

Triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho biết, sẽ bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để xác định cụ thể lộ trình thực hiện và trách nhiệm của các đơn vị y tế trong thực hiện chuyển đổi số.

Toàn ngành cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, quản trị y tế, khám chữa bệnh, y học dự phòng… nâng cao hiệu quả công việc, góp phần xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc; triển khai lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động; quản lý các thiết bị công nghệ thông tin đã được trang bị phục vụ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Chuyển đổi số ngành Y tế  Vĩnh Phúc - cơ hội và thách thức
Đoàn Sở Y tế Vĩnh Phúc đến thăm và làm việc tại Đồng Tháp

Để tiến tới triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng hồ sơ bệnh án giấy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, triển khai các nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, trước mắt, năm 2022-2023, ngành Y tế đào tạo cán bộ y tế thành thạo các thiết bị công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số; tham mưu đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, kho dữ liệu dùng chung của ngành, đầu tư các phần mềm đối với khối quản lý nhà nước và các đơn vị y tế dự phòng, chuyên ngành.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện hạng 1 và trung tâm y tế các huyện: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường; giai đoạn 2024 – 2025 sẽ triển khai ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân còn lại.

Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; học hỏi kinh nghiệm ứng dụng hệ thống RIS-PACS & Telehealth và đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử; giải pháp ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử tại các cơ sở y tế và vai trò chữ ký số trong quá trình xây dựng bệnh án điện tử, đặc biệt là kinh nghiệm triển khai, ứng dụng bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh….

Chuyển đổi số ngành Y tế  Vĩnh Phúc - cơ hội và thách thức
Các đơn vị y tế đang dự hội nghị học tập chuyển đổi số

Việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần làm giảm áp lực về hồ sơ bệnh án, lưu trữ thông tin báo cáo; giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Đồng thời, điều này cũng giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, tránh chồng chéo trong cấp phát thuốc; tăng tỷ lệ hài lòng cho người bệnh khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Lê Sơn
Phiên bản di động