Việt Nam còn thiếu chiến lược rõ ràng về trung tâm tài chính quốc tế

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG, Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng về phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Đề xuất thí điểm thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng Thủ tướng muốn các tập đoàn nước ngoài hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính ở TP HCM

Đây là nhận định được ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ tại Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính của đất nước trong tình hình mới” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 23/8.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển kinh tế.

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang đối diện với một số hạn chế trong việc khai thác các nguồn lực tài chính, khi chưa được phân bổ hiệu quả, thiếu cơ chế kết nối giữa các nguồn vốn trong và ngoài nước, công cụ tài chính hiện đại và các dịch vụ tài chính số chưa phát triển đồng bộ.

Chia sẻ một số giải pháp, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng cần có cơ chế thu hút nguồn lực từ tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, việc thu hút đầu tư PPP hiện vẫn chủ yếu diễn ra tại các dự án hạ tầng. Do đó, Chính phủ cần mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược.

Tuy nhiên, để các cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả, cần xem xét điều chỉnh luật pháp về PPP minh bạch và ổn định. Đặc biệt về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên, và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân.

Việt Nam còn thiếu chiến lược rõ ràng về trung tâm tài chính quốc tế
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG

Chủ tịch Tập đoàn IPPG cũng kiến nghị ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế qua việc nâng cao năng lực quản trị tài chính và minh bạch hóa báo cáo tài chính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài chính.

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang chững lại như hiện nay, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu quốc tế; thúc đẩy quá trình niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện để họ tiếp cận được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng đó, Chính phủ cần xem xét nới giới hạn sở hữu và điều chỉnh các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào việc phát triển thị trường tài chính.

Đặc biệt là việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, Tập đoàn IPPG rất tâm huyết về việc này và đã tài trợ cho đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, hiện các ban, bộ, ngành từ địa phương đến Trung ương đã tham gia góp ý đề án. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng về phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Việt Nam còn thiếu chiến lược rõ ràng về trung tâm tài chính quốc tế
Phối cảnh mô hình siêu dự án Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng do Tập đoàn IPPG đề xuất.

“Chưa có một kế hoạch dài hạn và nhất quán về xây dựng cơ chế chính sách cũng như lộ trình phát triển, tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư lớn muốn tham gia sớm vào thị trường. Nhà đầu tư cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Trước đó, đầu tháng 8/2021, Tập đoàn IPPG do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất triển khai loạt dự trọng điểm.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Tập đoàn IPPG cho biết, thời gian qua, công ty này đã cùng với các đối tác đầu tư Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia khác tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan để nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam, theo 5 lĩnh vực.

Trong đó, Tập đoàn IPPG đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án Đầu tư trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP HCM và Đà Nẵng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, khát vọng của Việt Nam gần đây đang hướng đến bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Vì vậy, vốn và thị trường vốn rất cần cho nhu cầu phát triển của Việt Nam và TP HCM.

Theo vị doanh nhân này, trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội lớn thì chính sách cần có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ nguy cơ tụt hậu, khó cạnh tranh quốc tế, do đó cần sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương.

"Thực tế, trung tâm tài chính đã được các nhà đầu tư Mỹ đề xuất cách đây 6 năm, từ năm 2016 và thời gian là vàng nên nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển năm 2045", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn thông tin thêm, ngoài 10 tỷ USD mà các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản thì doanh nghiệp có hơn 68 văn bản, thư trao đổi với Quốc hội Mỹ và lãnh đạo 2 nước.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ, phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng. Cụ thể, Mỹ xác định 6 trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags.

Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP. HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal vào Hà Nội cũng sẽ có thể 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có đươc 20 triệu khách/năm. Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động thì Việt Nam đã đón thêm được đến 70 triệu khách du lịch.'

Hậu Lộc
Phiên bản di động