Vì sao Việt Nam thiếu các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng quốc gia?
Nghề kiến trúc sư ngày càng đắt giá
Đó là nhận định của ông Dylan Yip, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược của Tổ chức Giải thưởng Châu Á (AAO) tại tọa đàm “Đặt gạch xây thương hiệu cho kiến trúc sư Việt” được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tham gia tọa đàm là những chuyên gia với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, kiến trúc, nội thất, marketing, gồm: ông Gianfranco Bianchi, CEO của Italian Atelier; ông Nguyễn Tiến Huy, CEO, Người sáng lập Pencil Group; kiến trúc sư Tan Quee Peng, Giám đốc Green Mark, Tổng Giám đốc RSP Việt Nam và bà Nguyễn Anh Trang, Giám đốc Sáng tạo MVV SNP.
Các chuyên gia trong ngành kiến trúc đã thảo luận về vấn đề làm thế nào khai thác được tiềm năng của kiến trúc sư Việt. Tại đây, ông Dylan Yip, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược AAO cho biết, ngành kiến trúc sư ở Việt Nam rất tiềm năng. Với sự phát triển của công nghệ, họ cũng thích nghi rất nhanh với công nghệ và chuyển đổi số. Và đây là một trong những thế mạnh của kiến trúc sư, nhà thiết kế Việt Nam. Thêm vào đó, ông cũng cho rằng, người Việt Nam nói chung và các nhà thiết kế, kiến trúc sư nói riêng rất cần cù, chăm chỉ, cống hiến hết sức cho công việc.
“Trong thời gian tới, chắc chắn Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. Và trong tương lai, giá chi tiêu, giá nhà ở ngày càng tăng. Do đó, nghề kiến trúc sư sẽ ngày càng đắt giá”, chuyên gia này nhận định.
Dylan Yip, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược của Tổ chức Giải thưởng châu Á chia sẻ quan điểm về kiến trúc sư |
Tuy nhiên, đánh giá từ góc độ truyền thông, các chuyên gia đều nhấn mạnh, thực tế hiện nay, kiến trúc sư Việt chưa biết xây dựng thương hiệu cá nhân nên có tình trạng khi khách hàng có nhu cầu khó chọn được đơn vị thi công hay một kiến trúc sư phù hợp. Bởi Việt Nam cũng chưa có một sàn giao dịch hay sân chơi chung nào cho các cá nhân, đơn vị trong ngành để tự quảng bá, giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, nhiều cá nhân hay đơn vị trong ngành chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc làm thương hiệu nổi bật để thu hút khách hàng. Thậm chí, nhiều người có quan điểm, những người kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất… là người làm nghề, quan tâm đến chất lượng công trình hơn là làm tên tuổi cho mình, cho công ty hay chính công trình đó. Cũng bởi vậy, tạo ra tình trạng kiến trúc sư Việt “xây nhà người thì giỏi, làm thương hiệu mình thì dở”.
Kiến trúc sư Việt cần trau dồi kỹ năng gì?
Ông Dylan Yip cho rằng, việc không định vị cho mình một thương hiệu dẫn đến, Việt Nam không có công trình mang tính biểu tượng quốc gia mà chỉ có những tòa nhà bậc trung.
“Khi nói đến lĩnh vực thiết kế, so sánh với các nước trong khu vực như Indonesia chẳng hạn, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa được khám phá, tận dụng như ở Indonesia. Ở Thượng Hải (Trung Quốc), Malaysia có các công trình mang tính biểu tượng nhưng Việt Nam chưa có”, chuyên gia này đánh giá.
Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO của Pencil Group chia sẻ, ngành kiến trúc vẫn còn ở giai đoạn tư duy “hữu xạ tự nhiên hương”, cần có đổi mới. Người kiến trúc sư cần có những kỹ năng xây dựng thương cho bản thân trên các nền tảng số như Tiktok, Facebook, Instagram... Bởi lẽ, nhu cầu, kỳ vọng của khác hàng ngày càng cao, trong khi công nghệ cũng thay đổi rất nhanh, những kỹ năng đó sẽ giúp họ tiếp cận khách hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO của Pencil Group cùng các chuyên gia ttham dự tọa đàm |
“Kiến trúc sư Việt phải có ý thức phải trau dồi hơn nữa để phát triển bản thân mình hơn bởi vì ngày nay có nhiều công nghệ mới. Để phát triển đất nước cũng như phát triển tài năng của mình đòi hỏi họ phải cập nhật liên tục các kiến thức mới về công nghệ, về công nghệ số, để ngày càng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, thiết kế tốt hơn, đẹp hơn”, ông Gianfranco Bianchi, CEO của Italian Atelier nhấn mạnh.