Trăn trở trước những công trình kiến trúc thời bao cấp

Trên chặng đường phát triển của Hà Nội, những công trình kiến trúc thời bao cấp làm nên bản sắc văn hóa của Thủ đô. Theo các chuyên gia, giữ lại các công trình kiến trúc thời bao cấp cũng là giữ một phần “hồn” đô thị của Hà Nội.
Khám phá những bí ẩn của những công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội 55 người được vinh danh tại Giải thưởng Kiến trúc Châu Á Ấn tượng với kiến trúc độc đáo của Cung An Định Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sau trùng tu

“Ký ức đô thị” một thời

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, sau ngày Hà Nội được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô bắt tay vào sự nghiệp xây dựng, phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra. Lúc này, toàn dân Hà Nội phấn khởi, hăng hái xây dựng kiến thiết Thủ đô.

Thời kỳ năm 1954 – 1965 là chặng khôi phục lại kinh tế của Hà Nội. Cuối năm 1954, Thủ đô chỉ có một vài công trình, nhà máy như Nhà máy Điện Biên Phủ, Nhà máy Đèn Bờ hồ, Nhà máy xe Lửa Gia Lâm. Đến năm 1957-1958, Hà Nội đã hiện diện những cơ sở công nghiệp lớn: Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Dệt 8/3, hình thành khu công nghiệp Thượng Đình gồm: Nhà máy Cao su Sao vàng, Nhà máy xà phòng, Nhà máy Rạng Đông… Vì thế, gam màu nổi bật nhất trong bức tranh của Hà Nội giai đoạn này chính là những cơ sở công nghiệp lớn được hình thành.

Trăn trở trước những công trình kiến trúc thời bao cấp
Cung Thiếu nhi Hà Nội

Khi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục rất rõ. Các trường Đại học nở rộ như Đại học Tổng hợp, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Dược, Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Sư phạm, Đại học Nông Lâm, Đại học Kiến Trúc.

Rất nhiều công trình giai đoạn này được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1961, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng với sự viện trợ của Liên Xô (trước kia). Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô là một trong những công trình kiến trúc văn hóa biểu trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Liên Xô, do kiến trúc sư Isakovich, người Liên Xô thiết kế và nguồn tài chính do Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô trao tặng. Khách sạn Thắng lợi trên đường Yên Phụ, quận Tây Hồ được xây dựng những năm đầu thập niên 1970, do Đảng Cộng sản và Nhân dân Cuba dành tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Những công trình này không chỉ phục vụ nhu cầu văn hóa, giáo dục, truyền thông và thể thao mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiến trúc thời bao cấp mang nhiều ý nghĩa lịch sử, khoa học và xã hội, phản ánh một thời đại với các nguyên tắc hiện đại và tiến bộ.

Các công trình được thiết kế và xây dựng theo chiến lược của một quốc gia đang trên con đường phát triển, góp phần vào quá trình vận hành hành chính và nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng. Với những đóng góp không nhỏ ấy, các chuyên gia cho rằng, kiến trúc thời bao cấp là vốn quý di sản, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để không bỏ phí.

Hoài niệm và băn khoăn về “khoảng trống”

Đối với KTS Trần Huy Ánh, Cung Thiếu nhi Hà Nội là nơi mang nhiều ký ức và hoài niệm về tuổi thơ của ông và cả một thế hệ thời bao cấp. Sau những ngày bom đạn “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, mùa Đông năm 1973, Hà Nội khởi công xây Cung Thiếu nhi Hà Nội.

“Năm 1976, chúng tôi mới được vào học ngôi nhà mới. Ngôi nhà rất đẹp, rất hiện đại, sang trọng: Có cửa kính khung thép, thang máy, trần nhôm, đá ốp lát bóng nhoáng… Nhiều người từng nghĩ, công trình này do KTS nước ngoài thiết kế và do viện trợ quốc tế. Cho đến tận năm 1982, tôi mới biết KTS Lê Văn Lân là tác giả thiết kế giám sát thi công Cung Thiếu nhi” – ông nói. KTS Lê Văn Lân ngày đó đã phải vẽ chi tiết từng cánh cửa thép, bản lề, chốt khóa để các thợ sắt tài hoa gia công lắp kính. TP Hà Nội cho phép huy động các tấm trần nhôm thừa ra từ công trình Cung Lao Động Việt Xô để ốp sảnh chính, KTS Lê Văn Lân lên nhà máy An Dương xin cả đống gạch hoa vỡ vụn do bom Mỹ về ghép lại thành sàn sảnh, ốp cột bê tông rồi mài nhẵn mà thành màu sắc lung linh.

Trăn trở trước những công trình kiến trúc thời bao cấp

Còn KTS Lê Văn Lân giờ vẫn nhớ, khi làm công trình này, ông được Bí thư Thành ủy Trần Vĩ và Chủ tịch UBHC TP Hà Nội thường xuyên gặp gỡ, động viên, ủng hộ hết mực. Cung Thiếu nhi Hà Nội từng là “thiên đường” của thiếu nhi Thủ đô thời bấy giờ.

“Trải qua mấy chục năm, Hà Nội giờ có nhiều điểm vui chơi công cộng hơn, Cung Thiếu nhi mới cũng vừa được khánh thành, song, phải nói rằng, từ nơi này, có biết bao thế hệ đã trưởng thành, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Tôi vẫn cứ băn khoăn, phải bảo tồn công trình này như thế nào, giữ lại một phần ký ức đô thị và bản sắc của Hà Nội” – KTS Trần Huy Ánh xúc động nói.

Những trăn trở của vị chuyên gia này không phải không có cơ sở, bởi theo KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, các công trình kiến trúc thời bao cấp đến nay đa phần có nhiều chức năng không còn phù hợp với xã hội hiện đại, nhiều công trình xuống cấp trầm trọng. Trong kho tàng di sản văn hóa kiến trúc, nhóm này vẫn được coi là mức ưu tiên thấp trong các đối tượng cần bảo tồn.

Trăn trở trước sự sống còn của những công trình kiến trúc thời bao cấp
KTS Lê Văn Lân (thứ 2 từ phải sang - hàng thứ nhất)

Đồng quan điểm trên, KTS Nguyễn Đức Vinh, Công ty Cổ phần X.Y.Z nhận định: “Công trình kiến trúc thời bao cấp rất “chấp chới”, không được bảo vệ bởi Luật Di sản. Những công trình này có thể nằm trong khái niệm “công trình kiến trúc có giá trị” được ghi trong Luật Kiến trúc, nhưng có giá trị như thế nào thì chúng ta chưa biết”.

Theo ông, rõ ràng, đang thiếu những cơ sở pháp lý, đang có những “khoảng trống” cho những công trình có thể được gọi là “di sản” này, nên ông đưa ra khái niệm “tái phát triển” gồm: Bảo tồn và cải tạo, nhằm mục đích vừa giữ gìn, vừa tạo ra khả năng để gia tăng giá trị của những công trình kiến trúc thời bao cấp.

Trăn trở trước sự sống còn của những công trình kiến trúc thời bao cấp
Các hoạt động tại Cung Thiếu nhi Hà Nội dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024

Cũng theo khảo sát của chuyên gia này, 64,8% những người được khảo sát đều muốn giữ nguyên và bổ sung công năng của những công trình kiến trúc công cộng thời bao cấp; rất ít người muốn phá dỡ. “Như vậy, trong cộng đồng đều nhận thấy giá trị của những công trình này” – KTS Nguyễn Đức Vinh nói.

Bày tỏ thêm với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, vị chuyên gia này nói: “Nếu một đô thị mà không có di sản, không khác gì đô thị “mất trí nhớ”. Cung Thiếu nhi Hà Nội hay một số những công trình kiến trúc thời bao cấp khác dường như bị lãng quên. Nhưng hãy nhìn những hoạt động từ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội vừa qua tại đây, khi chúng ta “thổi sinh khí” cho chúng - đó là những sinh hoạt cộng đồng thì nó vẫn “sống”.

Thái Sơn
Phiên bản di động