Vì sao Hà Nội được chọn đăng cai Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng, việc lựa chọn Việt Nam làm nước chủ nhà cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 mang nhiều ý nghĩa với cả 3 quốc gia.
vi sao ha noi duoc chon dang cai thuong dinh my trieu lan 2

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi

Hà Nội chỉ cách Bình Nhưỡng 4 giờ di chuyển bằng máy bay, bằng 2/3 quãng đường đến Singapore – nơi diễn ra hội nghị Mỹ - Triều lần thứ nhất. Hơn nữa, chuyến bay chỉ đi qua không phận Trung Quốc – nước bạn thân hữu của Triều Tiên. Điều này cũng giúp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un bỏ qua nhiều mối lo ngại về an ninh.

Nhờ có khoảng cách thuận lợi, trong chuyến đi lần này, ông Kim có thể sẽ sử dụng những chuyên cơ cũ do Liên Xô sản xuất mà nước này đang sở hữu thay vì thuê máy bay Trung Quốc như chuyến đi tới Singapore hồi năm ngoái.

Tổng thống Donald Trump thông báo trên Twitter về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra ở Hà Nội.

Tổng thống Donald Trump thông báo trên Twitter về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra ở Hà Nội.

Việt Nam là điểm trung lập hoàn hảo cho cuộc gặp mang tính lịch sử

Việt Nam hiện đang có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Triều Tiên và Hoa Kỳ. Sau khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1995, hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng từ 451 triệu USD lên gần 52 tỷ USD vào năm 2016. Bên cạnh đó, hai nước cũng chia sẻ nhiều mối quan tâm chung về chính trị, văn hoá, an ninh quốc phòng,…

Trong khi đó, quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Việt Nam đã được thiết lập từ năm 1950. Nhà lập quốc Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong-un cũng đã từng đến thăm Hà Nội vào năm 1958.

Ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cao cấp phụ trách vấn đề Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết: “Việt Nam là một quốc gia hiếm hoi mà cả Triều Tiên và Mỹ cùng tin tưởng.”

Triều Tiên và Mỹ đồng lòng chọn Việt Nam là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nước.

Triều Tiên và Mỹ đồng lòng chọn Việt Nam là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nước.

Việt Nam luôn đảm bảo công tác an ninh

Việt Nam hiện đang được thế giới đánh giá cao trong công tác kiểm soát an ninh, biểu tình luôn được hạn chế ở mức tối đa. Điều này được chứng minh bằng sự thành công của nhiều sự kiện cấp cao đã diễn ra ở Việt Nam, như Diễn đàn kinh tế thế giới 2018, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017,….

Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho rằng, Việt Nam là một nơi rất an toàn với bộ máy an ninh hoàn hảo, luôn kiểm soát tốt đám đông và các nhà báo được đảm bảo chỉ hoạt động ở khu vực cho phép.

Trên tờ LA Times của Mỹ, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương đến từ Trường Chính sách công Lee Kuan Yew Singapore đã nhận xét: “Việt Nam luôn nổi tiếng trong khu vực về an ninh và sự thân thiện. Chắc chắn ông Kim Jong-un sẽ rất hài lòng về điều này.”

Việt Nam là “hình mẫu” của Triều Tiên về phát triển kinh tế

Ông Kim Jong-un được cho là đặc biệt quan tâm tới việc nghiên cứu và học hỏi các quốc gia như Việt Nam hay Singapore trong việc vực dậy nền kinh tế và cùng lúc duy trì sự kiểm soát về chính trị.

Sau hơn 30 năm tiến hành chính sách Đổi mới và chủ động hoà nhập với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã tạo ra những bước tiến ngoạn mục. Hiện nước ta là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, đồng thời vẫn giữ vững chủ quyền đất nước và duy trì ổn định chế độ chính trị một đảng. Đây cũng chính là điều mà Triều Tiên đang muốn hướng tới.

Trong bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi quá trình phát triển kinh tế của nước ta là một “phép màu”. Ông cũng cho biết, Tổng thống Trump tin rằng nếu học hỏi con đường của Việt Nam, Triều Tiên cũng có thể làm nên phép màu như vậy.

Việt Nam là “cảm hứng” cho mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên

Từ kẻ thù trong chiến tranh, Mỹ và Việt nam đã phát triển mối quan hệ ngoại giao sâu sắc và đa dạng kể từ năm 1995. Năm 2000, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương, đồng thời liên tục mở rộng trao đổi về chính trị, nhân quyền và an ninh khu vực. Mỹ cũng có nhiều hỗ trợ đáng kể cho Việt Nam về công nghệ, kinh tế, giáo dục, nhân đạo và khắc phục hậu quả sau chiến tranh.

Phó Giáo sư Vũ Minh Khương chia sẻ với Hãng thông tấn Mỹ Associated Press: “Bằng cách chọn Việt Nam làm nơi gặp gỡ, cả 2 nhà lãnh đạo đều muốn gửi một thông điệp chiến lược mạnh mẽ đến thế giới, rằng họ đã sẵn sàng đưa ra những quyết định đột phá để trở thành bạn tốt và cùng nhau biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, theo gương mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam.”

Diệu Anh
Phiên bản di động