Vi phạm đất đai tại xã Tân Lập, Chủ tịch huyện Đan Phượng liệu có xử lý nghiêm?
Thời gian qua, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng tải loạt bài phản ánh về những vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng tại xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội). Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn xã Tân Lập tồn tại rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng, đất nông nghiệp.
Theo đó, cây xăng Bình Thúy nằm ngay mặt đường 422 (đường 79 cũ) thuộc cụm 8, xã Tân Lập đã đi vào hoạt động hàng chục năm nay nhưng phần đất trên khu vực xây dựng cây xăng đang lấn chiếm đất nông nghiệp, bên cạnh cây xăng còn có công trình nhà ở kiên cố 2 tầng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng ngang nhiên.
Bên cạnh đó, dọc tuyến đường 422, cụm 8, xã Tân Lập dù là đất nông nghiệp, đất xen kẹt nhưng cũng xuất hiện hàng loạt nhà xưởng được lợp tôn làm các tiệm rửa xe, đại lý kinh doanh...
Cây xăng Bình Quý và căn nhà 2 tầng kiên cố được cho là của chủ cây xăng tồn tại trên phần đất nông nghiệp. |
Không những vậy, tại khu Cầu Xây, Hạnh Đàn thuộc xã Tân Lập cũng đang tồn tại nhiều vi phạm trên đất nông nghiệp, các công trình nhà ở kiên cố được xây dựng tràn lan, tình trạng san lấp ao hồ rồi lấn chiếm để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng cũng diễn ra ngang nhiên nhưng không bị xử lý, tồn tại như chốn "vô pháp".
Liên quan đến việc này, chiều ngày 27/8, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết đã giao cho Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị của huyện cung cấp thông tin cho báo chí.
"Tôi đã giao cho đồng chí Hưng (Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Đan Phượng - PV) kiểm tra rồi báo cáo kết quả. Tại xã Tân Lập thì Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đang làm và có kết luận rồi, ông Quy (Chủ tịch UBND xã Tân Lập - PV) chắc chắn là bị kỷ luật", ông Hoàng cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng. Ảnh: VietnamNet. |
Cũng theo ông Hoàng, UBND huyện Đan Phượng đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Phó Trưởng Công an huyện làm Tổ trưởng thực hiện việc kiểm tra rà soát các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại nhiều địa phương, trong đó có xã Tân Lập để xây dựng phương án xử lý.
"Hiện vẫn còn 2 xã nữa đang trong quá trình kiểm tra, sau khi có kết quả thì chúng tôi sẽ phân loại xử lý, cái nào mới, xử lý ngay. Dự kiến sang đầu tháng 9 có kết quả kiểm tra và sẽ cung cấp thông tin cho báo chí", ông Hoàng nhấn mạnh.
Đặc biệt, vị Chủ tịch huyện cũng cho biết đã yêu cầu các xã đôn đốc, xử lý. "Nay mai mà địa phương không làm được thì để huyện xử lý. Không để ai bao che cho vi phạm cả''.
Đáng nói, mặc dù ông Nguyễn Hữu Hoàng khẳng định sang đầu tháng 9/2019 sẽ có kết quả kiểm tra vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại xã Tân Lập. Tuy nhiên, đến nay đã gần giữa tháng, phóng viên nhiều lần gọi điện liên hệ lại thì vị này không bắt máy và cũng không hồi âm.
Khu vực Cầu Xây, Hạnh Đàn cũng xuất hiện nhiều công trình vi phạm. |
Trước sự việc trên, dư luận đặt ra dấu hỏi về việc vị Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng liệu có nuốt lời hứa công bố kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại xã Tân Lập. Trước đó, ngay cả chính ông Nguyễn Hữu Quy - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cũng đã thừa nhận vi phạm.
Thời gian qua, việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên, tại một số địa phương mà đơn cử là huyện Đan Phượng thì việc xử lý vẫn còn bê trễ, thậm chí có dấu hiệu dung túng cho vi phạm.
"Việc để xảy ra vi phạm tràn lan, trước hết là trách nhiệm của chính quyền cấp xã đã buông lỏng quản lý. Trong khi đó, cấp huyện đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm, người đứng đầu huyện Đan Phượng cũng không thể thoái thác trách nhiệm của mình", Luật sư Vi Văn Diện (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Văn bản số 1782/UBND-SXD về việc thực hiện kết luận của Thường trực HĐND Thành phố về Phiên giải trình thực hiện kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND khóa XV đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố hồi tháng 5/2019, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị, trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra, kiên quyết xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tập trung xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tồn đọng, các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp gây bức xúc dư luận.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Hà Nội về những vi phạm trật tự xây dựng phát sinh mới và kết quả xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn quản lý. Đối với xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm mới hoặc không xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng theo yêu cầu của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Có thể thấy sự quyết liệt của lãnh đạo Thành phố Hà Nội trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và với những gì đang diễn ra thì ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.