Vẫn loay hoay “bài toán” giải cứu nông sản
Bộ Công thương hướng dẫn thu mua hàng hóa, nông sản vùng có dịch Covid-19 Hà Nội tạo mọi điều kiện thông thương hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ nông sản |
Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, việc tiêu thụ nông sản tại Việt Nam vốn đã khó khăn lại càng nguy cấp hơn, điều đó cho thấy “căn bệnh” cố hữu của chúng ta vẫn chưa được giải quyết.
Theo nhiều đánh giá, vấn đề không chỉ ở khâu thông quan hàng hóa mà nó xuất phát ngay ở khâu quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản, chưa có phương án tiêu thụ, tính toán đầu ra một cách rõ ràng.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần sớm có những giải pháp để quyết dứt điểm tình trạng giải cứu nông sản mỗi khi mùa thu hoạch đến, tránh những tổn thất nặng nề cho người nông dân.
Một ví dụ mới đây nhất là việc giải cứu nông sản ở Hải Dương, có thể thấy lý do ảnh hưởng lớn nhất là vì dịch COVID-19, song qua đó để thấy những điểm yếu trong quy trình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa của chúng ta khi bị tác động bởi những yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Việt Nam cần sớm có những giải pháp để quyết dứt điểm tình trạng giải cứu nông sản. Ảnh: MOIT |
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa tại Hải Dương đi các địa phương khác trong bối cảnh dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong quá trình thực hiện, do một số địa phương vì quá chú trọng đến công tác phòng, chống dịch, đã ban hành một số văn bản chưa linh hoạt, chưa phù hợp.
Vì vậy, đã gây ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc lưu thông hàng hóa, nông sản (nhất là hàng hóa có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) tại một số địa phương vùng đang có dịch và các tỉnh giáp ranh, khiến các thương lái không thể vận chuyển hàng hóa, nông sản đi tiêu thụ, gây ún ứ nông sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị ảnh hưởng…
Trước khó khăn đó, Bộ Công thương đã đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. Đồng thời, Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước, các doanh nghiệp lớn, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Như hệ thống phân phối Centra Group, BRG Retail, chuỗi siêu thị Coop Mart… đã hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm, trong đó có nông sản.
“Chúng tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển và các đơn vị, địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ vùng đang có dịch”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, ngày 21/2, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong đó nêu rõ, nguyên nhân chính khiến nông sản bị ách tắc do các thương lái không thể vận chuyển nông sản theo quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương (ngoài thẩm quyền của Bộ Công thương) đồng thời đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ.
Vấn đề khi cần thiết, các UBND tỉnh, thành phố chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt tại các địa phương đang có dịch) cấp giấy tờ liên quan theo quy định về phòng, chống dịch thì căn cứ vào đâu. Ở các địa phương đều có các cơ quan chuyên môn liên quan như y tế, nông nghiệp (sản xuất), công thương (phân phối lưu thông), giao thông vận tải (vận chuyển hàng hóa) và Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT cần ban hành sớm quy chế.
Còn nếu địa phương thấy không cần chỉ định bất cứ đầu mối nào mà hoạt động hiệu quả thì địa phương hoàn toàn có quyền chủ động không thành lập đầu mối. Tuy nhiên thấy một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến thu mua sản phẩm trong vùng dịch mà gặp đến 3,4 đầu mối thì địa phương có quyền chủ động chỉ định một đầu mối, có thể là một sở, ban ngành nào đó, thậm chí là Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh, hoặc là một tổ liên ngành có nhiều đại diện của các cơ quan để tháo gỡ khó khăn cho người muốn thu mua, hỗ trợ họ khi gặp khó khăn và hỗ trợ cho người nông dân, người sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Địa phương có quyền chủ động và được giao thẩm quyền quyết định thành lập đầu mối.
Ngoài ra, theo ông Hải hiện đã đến mùa thu hoạch nông sản các loại với sản lượng lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại giảm đi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cung tăng, cầu giảm, chắc chắn xảy ra dư thừa. Vậy nên việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản không chỉ cần thực hiện đối với vùng có dịch, mà cả các địa phương không có dịch, tuy nhiên trên hết phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh.