Văn hóa Việt với các hệ giá trị mới

Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16.7.1998, của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng. Trong các kỳ Đại hội Đảng gần đây và trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa đã đề ra nhiệm vụ cần tập trung xây dựng cho được hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hàng đầu để “xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”...
Người trẻ “ngỡ ngàng” với cổ phục Việt Dấu ấn văn hóa Việt 2020: Năm của nghệ thuật online

Tất cả đều là “con Rồng, cháu Tiên”

Nghị quyết số 03-NQ/TW từng nêu rõ: “Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hoá”. Thực tiễn đã chứng minh, các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” diễn ra khắp cả nước trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.

Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được thấm nhuần, quán triệt sâu sắc trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên. Không khí dân chủ trong xã hội, ý thức phấn đấu quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường để sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn, đã được chuyển hóa thành những hành động cụ thể.

Nhiều hoạt động hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, biết ơn, tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, những người có công… được diễn ra thường xuyên và rộng khắp. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm thu hút hàng vạn người đổ về đất Tổ và cùng với đó là hàng chục triệu con dân đất Việt cùng một tâm thức thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc. Và ý thức hướng về cội nguồn của người Việt ngày càng trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Dù người Việt ở trong nước hay những người Việt ở xa Tổ quốc thì tất cả đều là “con Rồng, cháu Tiên”, đều là những “đồng bào thân thương” như thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi hàng vạn người dân đang nghe công bố Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình năm 1945: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Văn hóa Việt với các hệ giá trị mới

Sức mạnh của văn học nghệ thuật

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và tương lai đất nước. Như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển của con người Việt Nam.

Nghị quyết số 03-NQ/TW có giải thích nội hàm của cụm từ “bản sắc dân tộc” là bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác…

Có thể nói việc quay về và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống những năm gần đây là một xu hướng của các lĩnh vực văn học nghệ thuật để hướng tới các tác phẩm đỉnh cao.

Trong điện ảnh, khẩu hiệu của Liên hoan phim Việt Nam đều là “Vì một nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Phim được vinh danh tại Liên hoan phim gần nhất năm 2019 là “Song Lang” của đạo diễn Leon Quang Lê - thông qua sự thăng trầm của một gánh hát nói về sự thăng trầm của nghệ thuật cải lương đã có bề dày cả trăm năm và là sự đi lên và kết hợp của những bộ môn nghệ thuật truyền thống như Hát Bội, Đờn ca tài tử với kịch nghệ hiện đại. Hay giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam “Cánh diều Vàng” 2018 dành cho “Cô Ba Sài Gòn” (đạo diễn Trần Bửu Lộc, Kay Nguyễn) - đề cao tinh thần gìn giữ nghề truyền thống giữa sự phát triển của văn hóa hiện đại, tôn vinh được vẻ đẹp, giá trị của áo dài Việt.

Năm 2020 và 2021, nhiều dự án phim như “Trạng Tí” dựa theo bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, “Long thần tướng” (dựa theo truyện tranh cùng tên) về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của triều Trần - 2 dự án đều do Ngô Thanh Vân sản xuất, rồi dự án phim “Trưng Vương” về Hai Bà Trưng do Trương Ngọc Ánh sản xuất…

Còn trong văn học, cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn (2016-2020), nổi bật là các tác phẩm đề tài lịch sử, như “Từ Dụ Thái hậu” (Trần Thùy Mai), “Mệnh đế vương” (Trương Thị Thanh Hiền), “Trong vô tận” (Vĩnh Quyền), “Thị Lộ chính danh” (Võ Khắc Nghiêm)…

Trong số các Giải thưởng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật 2020 có những tác phẩm như “Giao hưởng thơ Hoài Văn Hầu - Trần Quốc Toản” (dựa theo cốt truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tú; vở diễn “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); tác phẩm “Văn hóa nghệ thuật chùa Việt - Vài nét cơ bản” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)…

Lĩnh vực hội họa năm qua bùng nổ các triển lãm tranh của nhiều họa sĩ các thế hệ, trong đó có triển lãm “Bóng di sản” của nhóm họa sĩ trẻ Hà Tây rồi triển lãm cá nhân của Bùi Thanh Tâm, cắt dán tranh dân gian, tranh thờ và đặt cạnh nhau, sáng tạo trong một hình thức đương đại mới.

Việc kết hợp dân tộc, hiện đại được đặc biệt thể hiện mạnh mẽ và nổi trội trong âm nhạc. Mấy năm gần đây, giới V-Pop trẻ lựa chọn những chất liệu dân gian, văn học, lịch sử và phả vào đó hơi thở đương đại để đưa vào MV, tạo sức hút, thậm chí tạo thành một trào lưu trong giới trẻ. Đó có thể nhìn nhận là những đột phá cho âm nhạc Việt... Như MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy ra mắt hồi tháng 5.2020 được khán giả trẻ đón nhận nhiệt tình. MV “Kẻ cắp gặp bà già” của Hoàng Thùy Linh được lấy cảm hứng từ các tranh dân gian như Đám cưới chuột, Ngưu Lang - Chức Nữ, Thúy Kiều - Kim Trọng, Mẫu Thượng Ngàn… Trước đó, nữ ca sĩ này cũng có các MV “Bánh trôi nước”, “Duyên âm”, đặc biệt với “Để Mị nói cho mà nghe”… đã chạm được cảm xúc của khán, thính giả…

Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói “Đi tới tận cùng cái của ta sẽ gặp cái của nhân loại”. Bản sắc văn hóa dân tộc là nguồn tài nguyên và là mạch ngầm không bao giờ cạn để đào sâu, khai thác, xác lập các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt. Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có sức sống mãnh liệt để hòa nhập mà không hòa tan với các nền văn hóa thế giới.

“Tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (trích từ Nghị quyết số 03-NQ/TW).
Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động