Văn hóa tham gia giao thông của người dân hiện nay
Hà Nội: Hai vụ tai nạn giao thông đều do phụ nữ điều khiển |
Trong những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Đi khắp nẻo đường, câu khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho chính mình, cho gia đình mình và xã hội.
Người dân không đội mũ bảo hiểm, cố đi ngược chiều để rút ngắn lộ trình khoảng vài chục mét. |
Thực tế, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo hay chương trình thời sự hàng ngày những tin tức về các vụ tai nạn giao thông thường xuyên được cập nhật. Theo UBATGT Quốc gia, mỗi ngày trôi qua, hàng trăm người bị thương vong bởi tai nạn giao thông có thể đến với bất kì ai mà không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội.
11h ngày 29/3 tại tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội về tình trạng chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân. |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo)… Tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới đó là ý thức người tham gia giao thông còn quá kém.
Tình trạng học sinh đi xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm xảy ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. |
Trong thực trạng hiện nay chúng ta có thể thấy một bộ phận sinh viên, thanh niên, thậm chí cả người trung tuổi, người già vẫn coi văn hóa giao thông như một điều "vô bổ", trong đó có nhiều người điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe…
Mặc dù chở hàng hóa cồng kềnh nhưng nam thanh niênbất chấp nguy hiểm, không đội mũ khi tham gia giao thông. |
Theo ghi nhận của phóng viên lúc ngày 8/4 tại tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, một số sinh viên còn đi xe mô tô, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe đạp, xe máy... khi tan trường, sinh viên “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng. Vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại… thậm chí khi có sự va quẹt thì thoái thác trách nhiệm, chưa cần biết người va quẹt có bị sao không đã văng những câu chửi bậy…
Người dân ngang nhiên đi ngược đường. |
Ghi nhận của phóng viên tại tuyến đường Cần Giấy: Hàng loạt xe máy bất chấp tính mạng vượt nhanh khi đèn đỏ. Hình ảnh này dường như đã trở nên quen thuộc tại các điểm giao cắt ở trung tâm Hà Nội. |
Mặc dù trong năm 2013, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với UBATGT Quốc gia ban hành bộ tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Qua 5 năm, ngành văn hóa thừa nhận ý thức văn hóa giao thông của người dân được nâng lên, nhất là đối với thế hệ trẻ, nhưng vẫn còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn. Văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông không là chuyện của riêng ai. Chỉ khi tất cả mọi người có ý thức văn hóa giao thông, tai nạn giao thông mới có thể giảm thiểu.
Để từng bước nâng cao ý thức giao thông an toàn, mỗi người cần có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mình và của những người tham gia giao thông khác, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng. Cùng với tuyên truyền, giáo dục, lực lượng chức năng tiếp tục duy trì, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để răn đe và công bằng với tất cả mọi người, tránh hiện tượng “nhờn luật”. Qua đó, dần tạo nên ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người.