Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết tăng vốn cho Agribank

Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 3 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua tại đợt 2, kỳ họp thứ 5.
Nhất trí tăng vốn điều lệ cho Agribank Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank

Báo cáo một số vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tập trung nêu các vấn đề trọng tâm, bao gồm: Thủ tướng Chính phủ đề nghị “Quốc hội nên quyết định chủ trương đầu tư với số vốn thực nộp và thực tăng cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), không nên quyết định bổ sung số vốn quá cụ thể ….”.

Đồng thời, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép giảm thuế giá trị gia tăng theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng được giảm 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4%, 5%...

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các dự thảo nghị quyết cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo văn phong mạch lạc, rõ ràng, thể hiện sâu sắc, cụ thể hơn, đặc biệt là nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội tại dự thảo nghị quyết chung của kỳ họp…

Theo đó, các dự thảo nghị quyết cần tinh thần rõ nội dung, rõ giải pháp cụ thể, rõ trách nhiệm, lộ trình thực hiện; Chắt lọc những ý kiến góp ý/kiến nghị tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của đại biểu Quốc hội…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết tăng vốn cho Agribank
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong dự thảo nghị quyết kỳ họp thứ 5 phải có hạn mức tối đa đối với đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Về nội dung giảm thuế giá trị gia tăng phải thể hiện cụ thể tại dự thảo nghị quyết là giảm bao nhiêu %…

Để đảm bảo hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua đạt chất lượng cao nhất, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung phải đủ mạnh để đồng hành cùng Chính phủ giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội nay…

Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Agribank là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động của ngân hàng tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, gắn với việc hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm ngày 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết tăng vốn cho Agribank
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên họp.

Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; Đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh…

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh; Gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa.

Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để Agribank mở rộng quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Căn cứ pháp luật hiện hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng.

Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15; Phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả; Tăng nộp ngân sách Nhà nước; Đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ; Mở rộng hoạt động tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn; Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8,0% theo quy định.

Đồng thời, việc tăng vốn giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa; Đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của nhà băng trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; Góp phần giảm nghèo cũng như góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân sách Nhà nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động