Nhất trí tăng vốn điều lệ cho Agribank
Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho Agribank Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm việc chậm trình nội dung tăng vốn Agribank |
Kết luận nội dung thảo luận phiên họp sáng 1/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến các đại biểu Quốc hội thống nhất chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu để đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Agribank là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; hoạt động của ngân hàng tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, gắn với việc hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Quốc hội |
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh; gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa.
Đồng thời, đây là cơ sở quan trọng để Agribank mở rộng quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Căn cứ pháp luật hiện hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng.
Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15. Phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả; tăng nộp ngân sách Nhà nước; đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ; mở rộng hoạt động tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8,0% theo quy định.
Đồng thời, việc tăng vốn giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa; đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của nhà băng trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần giảm nghèo cũng như góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân sách Nhà nước.
Thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Quốc hội họp phiên toàn thể sáng ngày 1/6 |
Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần giúp ngân hàng này bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định; cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững; đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là cung ứng vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “Giảm nghèo bền vững”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, mức vốn Chính phủ đề nghị cấp bổ sung cho Agribank là 17.100 tỷ đồng. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư công.
"Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật", ông Thanh nói.