UNESCO ấn tượng trước sự chuyển mình của Thủ đô Hà Nội

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu cho biết, sau 20 năm quay trở lại Hà Nội, bà thực sự ngỡ ngàng trước sự chuyển mình của thành phố và hy vọng, UNESCO sẽ tiếp tục góp phần vào sự phát triển của Hà Nội trong thời gian tới.
Việt Nam khai thác hiệu quả giá trị danh hiệu UNESCO Mo Mường và Nghệ thuật Chèo được đệ trình là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Chiều 25/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình.

Tham dự buổi tiếp có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Hà Kim Ngọc; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.

Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ, Hà Nội được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”.

Với lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng và có giá trị cao trên nhiều phương diện, Hà Nội cũng là “Thành phố di sản”, với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa.

UNESCO ấn tượng trước sự chuyển mình của Thủ đô Hà Nội
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, bao gồm hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, với nhiều không gian sáng tạo, lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Trong quá trình xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô, TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn của UNESCO, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, di sản truyền thống. Các kết quả hợp tác giữa Hà Nội và UNESCO đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, những hình ảnh đặc sắc về Thủ đô Hà Nội, đất nước và con người Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới và hội nhập tới bạn bè và cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tới Việt Nam lần này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của UNESCO với Chính phủ Việt Nam, cũng như với chính quyền các địa phương, các đơn vị quản lý di sản, trong đó có Thủ đô Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong số các di sản đã được UNESCO công nhận, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội được Ủy ban Di sản thế giới thông qua Nghị quyết công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010 (năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), là niềm tự hào không chỉ của riêng Hà Nội mà của cả đất nước Việt Nam.

UNESCO ấn tượng trước sự chuyển mình của Thủ đô Hà Nội
Hoàng thành Thăng Long - Công trình nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của UNESCO trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Kể từ đó đến nay, Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác quản lý di sản thế giới, xây dựng quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản thế giới; thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khảo cổ học, sử học và các giá trị văn hóa phi vật thể…

Hiện, thành phố đang triển khai công tác xây dựng hồ sơ “Báo cáo hiện trạng bảo tồn Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” và đã gửi UNESCO vào tháng 1/2024. Hồ sơ nghiên cứu làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu và giảm thiểu tác động can thiệp tới tính xác thực của khu di sản trên theo nguyên tắc không làm thay đổi mà tăng thêm gấp bội phần giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đáp ứng ý nguyện và mong muốn của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Thủ đô Hà Nội mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của UNESCO, cũng như cá nhân Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO trong quá trình triển khai những định hướng phát triển này, đặc biệt là ủng hộ hồ sơ Bảo tồn Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (dự kiến sẽ được xem xét tại kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng 7/2024).

Nhất trí với những chia sẻ của lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu cho biết, Cơ quan đại diện UNESCO tại Việt Nam đã nỗ lực hết sức cho các công tác bảo tồn và phát huy di sản, đồng thời nắm rõ chủ trương và công tác bảo tồn di sản của Thành phố.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu cho biết, sau 20 năm quay trở lại Hà Nội, bà thực sự ngỡ ngàng trước sự chuyển mình của thành phố và hy vọng, UNESCO sẽ tiếp tục góp phần vào sự phát triển của Hà Nội trong thời gian tới.

Thái Sơn
Phiên bản di động