Tư tưởng của V.I.Lênin soi sáng con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Hà Nội vận dụng nền tảng đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam |
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 do Lênin và Đảng Bônsêvích Nga lãnh đạo đã mang lại thắng lợi đầu tiên trong cuộc đấu tranh cách mạng theo con đường vô sản, nó cho thấy sức mạnh lịch sử được hội tụ bởi khối đoàn kết công - nông - binh và các tầng lớp trung gian, dưới sự lãnh đạo của chính đảng vô sản, vùng lên lật đổ chính quyền phong kiến và tư sản, giải phóng các giai cấp, tầng lớp xã hội bị áp bức, bóc lột, lập nên chính quyền Xô viết, do công - nông - binh - trí thức làm chủ.
V.I.Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới (Ảnh tạp chí Tuyên giáo) |
Nền dân chủ cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lê nin được thiết lập ở nước Nga, rồi tiếp đó mở rộng trên 1/6 diện tích Trái đất, thực sự là nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Cách mạng tháng Mười Nga là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể ở nước Nga, mang lại cơ hội và tương lai phát triển theo mô hình xã hội chủ nghĩa không chỉ cho nước Nga mà còn cho các dân tộc bị nô dịch được quyền tự quyết mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa khoa học hiện thực.
Việt Nam là đất nước nhiều năm bị thực dân, phát xít xâm lược, đô hộ, áp bức, bóc lột, bị biến thành vong quốc nô dưới chiêu bài “khai hóa văn minh của nước mẹ đại Pháp” bị phát xít Nhật trá hình “đuổi Pháp giúp Việt Nam giành độc lập” hòng thay Pháp đè đầu cưỡi cổ. Biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước thương nòi vùng lên đấu tranh giành độc lập, từ năm 1858 cho đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhưng sự nghiệp bất thành.
Căn nguyên thất bại chính là chưa có được học thuyết cách mạng đúng đắn. Chủ nghĩa Mác - Ăngghen là sự khởi nguyên chân lý thời đại lịch sử mới, bị chủ nghĩa tư bản gọi là “bóng ma cộng sản”, bởi theo Mác - Ăngghen, giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng vô sản đánh đổ giai cấp tư sản, kiến tạo chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Đến khi Luận cương Lênin ra đời, trong đó đã đề cập và gợi mở cho các dân tộc thuộc địa con đường đấu tranh giành độc lập. Đó là con đường cách mạng vô sản, do chính Đảng vô sản lãnh đạo, lực lượng cách mạng là quần chúng công - nông liên minh làm nòng cốt cùng liên kết với các tầng lớp trung gian, sau khi đánh đổ ách thống trị thực dân, đế quốc thì đi lên chủ nghĩa xã hội. Khi bắt gặp Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện được tinh thần cốt lõi và giá trị nền tảng tư tưởng vô sản chân chính, chắc chắn, là kim chỉ nam cho các chính đảng vô sản đề ra chiến lược cách mạng đối với dân tộc mình.
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, nhất là với sự ra đời Quốc tế cộng sản và Luận cương Lênin, cao trào cách mạng theo hướng xã hội chủ nghĩa hiện thực đã sôi nổi trên toàn thế giới, trong đó đặc biệt là phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ Latinh mang thần khí lịch sử “tiến công lên trời” đoạn tuyệt con đường tư bản, hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Khi đưa ra khẳng định: Ngày nay học thuyết nhiều, nhưng học thuyết chắc chắn nhất, cách mạng nhất là học thuyết Lênin, chứng tỏ sự lĩnh hội sâu sắc, trực cảm chính trị của Nguyễn Ái Quốc đã mở ra cánh cửa lịch sử vốn đã “im ỉm khóa” kể từ ngày 1-9-1858 - ngày quân Pháp tấn công Đà Nẵng, bắt đầu xâm lược Việt Nam.
Ngay sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã thổ lộ tâm sự với những người đồng chí cách mạng ở Pháp đại ý rằng: “Bây giờ đối với tôi mọi thứ đã rõ, tôi sẽ tìm cách trở về Tổ quốc để giúp đồng bào tôi đấu tranh giành độc lập”... Như vậy, ở Nguyễn Ái Quốc, mục tiêu ra đi tìm đường cứu nước để giành độc lập, tự do đã được chắp đôi cánh lý luận cách mạng trong Luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Theo đó, Nguyễn Ái Quốc có cuộc hành trình trở về Tổ quốc mất 21 năm, trong đó có 10 năm dấn thân vào phong trào quốc tế vô sản ở Pháp và Liên Xô, tích lũy thêm, mở mang vốn kiến thức nền tảng tư tưởng cách mạng vô sản, đem vốn liếng chính trị quý báu vào chuẩn bị trực tiếp các điều kiện thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” (xuất bản năm 1927) là sự kết tinh vốn tri thức chính trị mà Nguyễn Ái Quốc lĩnh hội, đúc kết kể từ khi chứng kiến nỗi đau mất nước ở quê nhà, quan sát thấy hai mảng đen tối nỗi nhục của kiếp người bị thống trị ở khắp năm châu, lắng đọng trong những luận điểm cách mạng vô sản trong các trước tác của Mác, Ăngghen, Lênin.
Tư duy chính trị sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc là hiện thân của sự tiếp biến, thăng hoa các giá trị tư tưởng yêu nước, yêu độc lập, tự chủ, tự lập, tự cường, bất khuất kiên trung của hàng ngàn năm dựng nước gắn liền với giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc đặt tiền đề cho các điều kiện tiên quyết, cốt tử bảo đảm đưa cách mạng Việt Nam đi đúng xu thế thời đại “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Trong đó, điều kiện tiên quyết là có chính đảng vô sản lãnh đạo, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng.
Đảng lấy mục tiêu tối thượng là giành độc lập cho dân tộc, mang lại tự do cho nhân dân. Điều kiện cốt tử của cách mạng Việt Nam là xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó công - nông liên minh là nòng cốt; cách mạng Việt Nam phải gắn bó mật thiết với cách mạng thế giới, sau khi giành độc lập thì đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể thấy, từ các văn kiện thành lập Đảng đến các văn kiện về sau cho đến ngày nay, những giá trị cốt lõi mà Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền tảng giống như tạo la bàn cho con tàu cách mạng Việt Nam tránh bị sai hướng. Tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là thành quả vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, giúp cho cách mạng nước ta có được tính độc lập tự chủ về chính trị. Trí tuệ, bản lĩnh chính trị được Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện và lịch sử thẩm định trong hơn 92 năm qua là hết sức độc đáo.
Bài viết gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được ra đời ngay sau thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một bước phát triển mới trong quá trình Đảng ta học tập, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đồng thời còn là thành tựu đúc kết thực tiễn cách mạng dân tộc dân chủ, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được Nhân dân Việt Nam giác ngộ, kiên định, dũng cảm chiến đấu gian khổ hy sinh.
Tấm gương Việt Nam, kinh nghiệm Việt Nam được nhân dân yêu chuộng trên thế giới khâm phục, noi gương, đồng tình, ủng hộ, góp nên sức mạnh thời đại cho dân tộc ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những luận điểm khúc triết trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ “Đường Kách mệnh” đến “Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”, đặc biệt là “Tuyên ngôn độc lập” và “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, cùng sự kế thừa, phát triển của các Cương lĩnh cách mạng do Đảng hoạch định.
Toát lên và tỏa sáng trong tất cả các văn kiện Đảng, hội tụ trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: Độc lập dân tộc thực chất, nền dân chủ thực sự chỉ có được ở Việt Nam khi kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Quán triệt sâu sắc tinh thần nêu trên, dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ hiện thực khát vọng dân tộc hùng cường, góp phần vào sự tiến bộ của nhân loại.