Tự tử ở trẻ vị thành niên, vấn đề đáng báo động

Liên tiếp những ngày gần đây trên cả nước xảy ra nhiều vụ tự tử, nạn nhân đều là trẻ vị thành niên khiến dư luận cả nước bàng hoàng, thương xót.
Hà Nội: Nam sinh lớp 10 rơi từ tầng 28 xuống đất tử vong, để lại thư tuyệt mệnh

Liên tiếp xảy ra các sự việc đau lòng

Sáng 31/3, dư luận cả nước bàng hoàng, đau xót khi hay tin một học sinh lớp 8 trường THCS Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà riêng.

Đáng nói, qua nhận xét, đánh giá của các thầy cô tại trường, nữ sinh này có ý thức học tập và tu dưỡng, trong quá trình học tập tại nhà trường học sinh không có biểu hiện bất thường về tâm lý. Tuy nhiên, căn cứ vào nhật ký và thư em để lại, mọi người suy đoán em có dấu hiệu trầm cảm.

Trong bức thư tuyệt mệnh nữ sinh lớp 8 để lại cũng chỉ viết là “Việc con thành ra như vậy không phải do ai cả thế nên xin mọi người đừng dằn vặt hay nhận hết lỗi về mình”. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến gia đình, nhà trường và cả xã hội không khỏi tiếc thương và cũng vô cùng đau xót.

Chưa hết bàng hoàng với sự việc trên, chỉ sau đó một ngày, dư luận cả nước lại thêm quặn thắt khi biết tin một nam sinh lớp 10 tại Hà Nội đã để lại thư tuyệt mệnh, leo ra ban công rồi sau đó rơi xuống đất từ tầng 28 của một tòa chung cư, dẫn tới tử vong.

Sự việc xảy ra quá bất ngờ, trước sự chứng kiến của người thân trong gia đình khiến cho dư luận không ngừng đau xót. Nhiều bàn luận, giả thiết về nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng này được đưa ra mổ xẻ, bàn tán. Điều đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh, nhà trường và cả xã hội về việc cần xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Tự tử ở trẻ vị thành niên, vấn đề đáng báo động
Những áp lực tưởng đơn giản lại khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng tâm lý và nghĩ đến điều dại dột (Ảnh minh họa)

Sự việc đau lòng trên đã khiến các bậc phụ huynh giật mình lo sợ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu mà trước đó, có không ít học sinh đã hành động tiêu cực do áp lực học tập từ trường lớp, gia đình.

Chị Nguyễn Anh Thơ, phụ huynh có con học tại Trường Vinschool (Hà Nội), bày tỏ: "Câu chuyện thương tâm của cậu bé lớp 10 này sẽ lại tiếp tục khiến những bậc cha mẹ phải giật mình. Nhưng phải đến bao giờ người lớn mới nhận ra và thay đổi? Nếu chỉ giật mình rồi lại… quên đi, thì những sự việc tương tự có thể sẽ còn xảy ra.

Có bao nhiêu cha mẹ nói “Tôi không bao giờ tạo áp lực học tập cho con” nhưng lại tự hào khoe điểm 10 của con trên mạng xã hội; Hay như “Tôi có thể cho con lưu ban, học lại chứ không mạo hiểm cho con đến trường trong tình hình dịch bệnh thế này” nhưng vẫn quát mắng con liên tục khi con học trực tuyến mà không tập trung, bị cô giáo nhắc nhở hay học mà ngáp ngắn ngáp dài, chơi game chui".

Cùng quan điểm với chị Anh Thơ, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (ở Long Biên, Hà Nội) cũng cho rằng: "Bài vở, kiến thức ngày càng nặng hơn, nhiều hơn. Sách giáo khoa cách đây vài chục năm so với sách giáo khoa bây giờ khác nhau rất nhiều. Học sinh ngày nay bị nhiều áp lực hơn. Chưa kể dịch COVID-19 khiến các con phải học trực tuyến.

Dù các nhà sư phạm đưa ra hàng trăm cách giúp trẻ thư giãn, vận động nhưng áp lực vẫn là không đổi do tương tác xã hội không có. Nhiều trường, lớp dù dạy và học trực tuyến yêu cầu vẫn như học trực tiếp, trong khi việc tập trung khi học trực tuyến của trẻ em là có giới hạn".

Cần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho con trẻ

Còn nhớ cách đây không lâu, tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhi nam 13 tuổi, được phát hiện đã thắt cổ tự tử bằng khăn quàng đỏ trong nhà tắm.

Mẹ bệnh nhi bàng hoàng kể lại: "Trong đợt dịch COVID-19 nghỉ ở nhà, cháu cũng hay chơi điện tử trên mạng. Vì thế mẹ cháu đã lắp camera trong phòng để theo dõi cháu. Cháu cảm thấy không thoải mái và đã tâm sự với bạn bè vì chuyện này. Ngày hôm ấy, khi camera được lắp xong thì cháu xin phép đi vào phòng tắm và cầm theo chiếc khăn quàng đỏ mà không có ai biết.

Hơn 20 phút không thấy cháu ra, gọi không trả lời nên tôi đã mở cửa phòng và phát hiện sự việc đau lòng này. Các bạn thân của cháu cho biết, cách đây 2 hôm, bạn ấy có nhắn tin vào nhóm của lớp nói rằng đây có thể là lần cuối cùng mình nói chuyện với các bạn".

Trong câu chuyện trên, chỉ vì những lý do tưởng chừng rất đơn giản mà bệnh nhi đã hành động dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong thời gian vừa qua, Khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một số trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến bạo lực gia đình và học đường. Một số lý do chỉ vì bị mẹ đánh, bị bạn bè trêu chọc mà trẻ đã quyết định từ bỏ cuộc sống của mình đường đột.

Tự tử ở trẻ vị thành niên, vấn đề đáng báo động
Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương gần đây khám và điều trị cho nhiều trẻ vị thành niên có chấn động về tâm lý

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi này. Đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết.

Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) nhìn nhận: "Tình trạng trên đang ngày càng trở nên đáng báo động, nhất là trong tình hình dịch bệnh khi việc tiếp thu kiến thức của các con cũng bị ảnh hưởng. Nhiều phụ huynh đang tạo ra áp lực rất lớn cho các con trong học tập. Đó là một trong những nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của các con".

"Chúng ta cần đặt bản thân vào vị trí của các em nhiều hơn để thấu hiểu. Tôi cũng mong rằng các cha mẹ sẽ quan tâm tới tâm lý con cái nhiều hơn. Đừng để áp lực học hành gây ra những chuyện đáng tiếc như vậy", thầy Tuấn chia sẻ.

Trẻ vị thành niên là giai đoạn thay đổi về chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi làm việc với trẻ vị thành niên các bậc phụ huynh cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phát xét đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ. Ngoài ra, việc hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra.

Bên cạnh đó, nếu bố, mẹ lo lắng về con mình hãy tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhà tâm lý. Không áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lý. Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Cần dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.

Về phía nhà trường, cần tạo môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Tự tự ở trẻ vị thành niên có thể phòng ngừa được. Ngay bây giờ, rất cần sự chung tay xây dựng của gia đình, nhà trường và xã hội để cuộc sống của các em được an toàn, hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động