Trường Đại học Kinh tế quốc dân mở loạt ngành kỹ thuật trong năm 2024
Thạc sĩ Vũ Trí Tuấn trở thành tân Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân Cán bộ Hội “5 tốt” trường Kinh tế Quốc dân |
Cổng trường Đại học kinh tế quốc dân. Ảnh: NEU |
Xưa nay, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) được biết đến là một trường đại học đào tạo chương trình cử nhân chuyên định hướng nghiên cứu đầu ngành trong khối các trường đào tạo về Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh ở Việt Nam.
Những trường kỹ thuật như Giao thông, Bách khoa, Xây dựng... sẽ là cái nôi đào tạo bằng kỹ sư dành cho các chuyên ngành kỹ thuật, chú trọng thực hành chuyên sâu. Chương trình đào tạo cử nhân thông thường sẽ kéo dài 3 - 4 năm, riêng đối với bằng kỹ sư sẽ kéo dài hơn, dao động 6 tháng đến một năm.
Tuy nhiên, mới đây, theo thông báo tối 10/1 của trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhà trường dự tính mở thêm sáu ngành mới gồm Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý).
Cụ thể, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo nhà trường dự kiến tuyển sinh 100 sinh viên/ngành, các ngành còn lại là 50 sinh viên/ngành. Trừ Quan hệ lao động đào tạo hệ cử nhân, 5 ngành còn lại sẽ có cả hệ cử nhân và kỹ sư.
Dự kiến 6 ngành đào tạo mới của NEU trong năm 2024 |
Được biết, trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến lên đại học vào năm 2025. Trước đó, vào tháng 7/2023, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, Trường đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, phấn đấu lên đại học vào năm 2025.
Theo chia sẻ từ phía nhà trường, công tác xây dựng ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hoá và mở rộng các ngành đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như góp phần nâng cao vị thế của Trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, công tác xây dựng ngành mới đã được xác định trong phương hướng và kế hoạch phát triển chung của Trường, phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quốc hội |
Hiện nay, quy mô đào tạo của NEU là khoảng 25.000 sinh viên chính quy, hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Số ngành đào tạo bậc đại học là 60, 28 ngành đào tạo tiến sĩ. Trong định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, trường đặt mục tiêu thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu Việt Nam.
Cuối tháng 12, trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Chỉ tiêu dự kiến là 6.200 (chưa gồm 6 ngành dự tính sắp mở).
Nhà tường xét tuyển thẳng 2% tổng chỉ tiêu, 18% dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Còn lại 80%, trường xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, bỏ xét tuyển học bạ.
Năm 2023, điểm chuẩn theo phương thức điểm thi tốt nghiệp của NEU dao động 8.5 - 9 điểm/môn, học phí khoảng 16.000.000 - 22.000.000 đồng với chương trình chuẩn.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học, học viện đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành, những ngành này thuộc một hoặc một vài lĩnh vực. Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, gồm nhiều trường đại học và khoa thành viên. Để chuyển thành đại học, các trường cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận. |