Trung Quốc: Người già cô đơn tuổi xế chiều
Người đàn ông cao tuổi ngồi trước cửa hiệu ở Như Đông ngày 27/4 (Ảnh: AFP) |
Tại Như Đông, một thị trấn ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), từng đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai chính sách một con của Bắc Kinh. Song giờ đây trường học trong thị trấn bị bỏ hoang, dây leo mọc um tùm, khi những người trẻ đều rời khỏi Như Đông tìm việc, để lại phía sau bố mẹ già sống lẻ loi.
Kết quả điều tra dân số hồi tháng 5/2021 cho thấy gần 39% người dân trong thị trấn trên 60 tuổi, cao gấp đôi so với tỷ lệ 18,7 trung bình toàn quốc. Tổng dân số của Như Đông là 880.006 người, giảm 115.977 người so với lần điều tra dân số trước.
Già hóa dân số đang gây áp lực lên thanh niên Trung Quốc, những người có trách nhiệm chăm sóc thành viên lớn tuổi trong nhà, đóng góp vào hệ thống phúc lợi của đất nước.
Một câu lạc bộ bóng bàn cho người cao tuổi ở Như Đông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh: AFP) |
Tại Trung Quốc, người già thường sống cùng nhà để con cái phụng dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi ở Như Đông cho hay họ muốn tự chăm lo thật tốt cho bản thân để giảm bớt áp lực cho con cái.
Nhiều người già tại Như Đông đã chọn các khóa học cho người về hưu tại trường đại học địa phương, hay tham gia các câu lạc bộ bóng bàn do chính quyền tổ chức.
Bà Fu, 56 tuổi, sống tại Như Đông cho biết bà chỉ có một con trai đã rời Như Đông lên thành phố làm việc. Đây là câu chuyện phổ biến ở Trung Quốc trong những thập niên gần đây, khi kinh tế Trung Quốc chuyển mình mạnh mẽ, thu hút lượng lớn lao động tới các thành phố lớn tìm việc.
Con trai bà lấy vợ đẻ con trên thành phố. Tuy nhiên họ không có ý định sinh thêm con vì quá nhiều gánh nặng cuộc sống.
Gần 39% người dân trong thị trấn Như Đông trên 60 tuổi (Ảnh: AFP) |
“Chừng nào chúng tôi còn khỏe mạnh, áp lực lên con cái sẽ ít đi. Vì vậy, tham gia các hoạt động thể dục thể thao là vì chính chúng tôi, cũng vì con cái chúng tôi”, ông Wang Jianhua, 67 tuổi nói.
Vừa dắt xe đạp ra khỏi cổng một trường đại học ở Như Đông, bà Ping, 74 tuổi, cho hay bà từng không được đi học và phải lao động ở nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa những năm 1960.
Bây giờ, bà đến trường đại học, tham gia các lớp học về văn học và kinh kịch truyền thống Trung Quốc. “Chúng tôi vừa vui chơi vừa học tập. Cuộc sống tuổi xế chiều vẫn rất phong phú”, bà Ping 74 tuổi vui vẻ nói.