Nâng cao chất lượng dân số - "chìa khóa" cho sự phát triển bền vững của Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc: Đại hội Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tỉnh lần thứ III Hình ảnh giải vô địch bắn cung quốc gia tại Vĩnh Phúc Vĩnh Phúc: Gần 200 VĐV tham gia Giải Vô địch bắn cung quốc gia năm 2024 |
Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng dân số, trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về công tác dân số; là một trong số ít các địa phương trên cả nước đã ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác dân số với Nghị quyết số 16 về “Quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”.
Sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm và nâng cao hiệu quả điều trị nhiều bệnh bẩm sinh ở trẻ. |
Qua hơn 3 năm triển khai, Nghị quyết số 16 đã tạo động lực cho cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực dân số.
Đồng thời tạo điều kiện để phụ nữ mang thai và gia đình có trẻ sơ sinh là đối tượng đặc thù có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, tầm soát dị tật bẩm sinh, kịp thời phát hiện, can thiệp sớm các tật bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh....
Mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước được củng cố, phát triển, đáp ứng yêu cầu cung cấp các dịch vụ cơ bản cho nhân dân; đảm bảo tính sẵn có của dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu cơ bản.
Hiện, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh; 100% bệnh viện tuyến tỉnh (trừ các bệnh viện chuyên khoa), trung tâm y tế tuyến huyện đã cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh theo hình thức xã hội hóa.
Nhiều mô hình, chương trình nâng cao chất lượng dân số được ngành Y tế triển khai và phối hợp triển khai hiệu quả như mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…
Công tác truyền thông được triển khai đa dạng, hiệu quả đã huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng của người dân trong việc tham gia thực hiện các chính sách dân số.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đào Anh Thái cho biết: “Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số có những tiến bộ đáng kể như chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành đứng đầu của cả nước; các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt cao, vượt mục tiêu các chương trình, kế hoạch đề ra; tuổi thọ trung bình của người dân Vĩnh Phúc hiện nay là 74,6 và cao hơn so với trung bình toàn quốc (73,9).
Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi hằng năm được cải thiện; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, đạt 92,12% vào năm 2023 và 92,16% trong 6 tháng đầu năm 2024; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt 78,06% vào năm 2023 và 88,26% trong 6 tháng đầu năm 2024… Những kết quả đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh".
Tuy nhiên, công tác dân số trên địa bàn tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như kết quả giảm sinh chưa đảm bảo tính bền vững; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao; chất lượng dân số chưa xứng với tiềm năng của tỉnh; công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao…
Xác định nâng cao chất lượng dân số là "chìa khóa vàng" cho sự phát triển bền vững, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi, nhận thức; đổi mới và đa dạng hình thức, phương pháp, nội dung truyền thông phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng; phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông số.
Đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số; rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về dân số, KHHGĐ, đặc biệt là các chính sách tác động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh hợp lý; mở rộng mạng lưới, phổ cập chương trình cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…