Triều Tiên khôi phục trạm phóng tên lửa, Mỹ cảnh báo gia tăng lệnh trừng phạt

Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là động thái phản ứng của Triều Tiên trước việc bị Hoa Kỳ từ chối dỡ bỏ các cấm vận kinh tế trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội.
trieu tien khoi phuc tram phong ten lua my canh bao gia tang lenh trung phat
Ảnh chụp vệ tinh ngày 2/3 cho thấy hoạt động khôi phục tại Sohae đang diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên tình hình không đáng báo động. Ảnh: CSIS.

Ảnh chụp vệ tinh ngày 2/3 cho thấy hoạt động khôi phục tại Sohae đang diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên tình hình không đáng báo động. Ảnh: CSIS.

Ngày 5/3, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, cơ quan tình báo nước này phát hiện một phần của trạm phóng tên lửa Sohae tại Tongchang-ri đang được khôi phục, chỉ ít ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc.

Chia sẻ với Reuters, bà Jenny Town, chuyên gia phân tích của Trung tâm nghiên cứu Stimson cho biết, dựa vào các hình ảnh vệ tinh được chụp từ Washington, có thể thấy các cấu trúc bên trên của bệ phóng Sohae đã được xây dựng lại trong khoảng thời gian từ 16/2 đến 2/3.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã công bố một báo cáo đính kèm hình ảnh vệ tinh và đưa ra kết luận rằng Triều Tiên đang nhanh chóng tiến hành phục hồi điểm thử hạt nhân này. Báo cáo cũng nêu cụ thể, hoạt động xây dựng được thể hiện rõ ở khu vực bệ phóng thử nghiệm động cơ thẳng đứng và đường ray vậy chuyển tên lửa.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin tình báo, tình hình hiện nay chưa đáng báo động, không phát hiện tên lửa được đưa đến bãi phóng và chắc chắn không phải ở quy mô khôi phục các vụ thử tên lửa vốn đã bị tạm ngưng từ năm 2017. Các nhà phân tích cũng cho biết, địa điểm này chưa bao giờ được sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và không có bằng chứng nào cho thấy thử nghiệm sắp xảy ra, nhưng địa điểm này đã từng được sử dụng để thử động cơ tên lửa và thực hiện các vụ phóng vệ tinh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9/2018, Chủ tịch Kim Jong Un đã cam kết sẽ đóng cửa khu vực Sohae và cho phép các chuyên gia quốc tế vào thanh sát việc tháo dỡ vị trí thử nghiệm động cơ tên lửa và bệ phóng. Tháng 7/2018, Washington cũng nhận được hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ một toà nhà tại Sohae được sử dụng để lắp ráp các phương tiện phóng và bệ thử động cơ tên lửa.

Tuy nhiên, kết quả quan sát sau đó cho thấy, Bình Nhưỡng đã tạm dừng công việc tháo dỡ khu vực thử nghiệm động cơ tên lửa.

Chia sẻ với Fox Business Network, ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump cho biết, hiện Washington đang chờ xem Bình Nhưỡng có giữ vững cam kết từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân hay không. Nếu không, Triều Tiên sẽ tiếp tục phải chịu những cấm vận về kinh tế, thậm chí các lệnh trừng phạt sẽ được gia tăng.

Mới đây, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gây thêm áp lực lên Triều Tiên bằng cách đưa ra dự luật trừng phạt bất cứ ngân hàng nào giao thương với chính phủ nước này.

Ngày 4/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, ông hy vọng phái đoàn Hoa Kỳ sẽ đến Triều Tiên để tiếp tục đàm phán trong những tuần tới, nhưng lập trường của ông Bolton và những diễn biến mới tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân Sohae có thể sẽ gây ra những thách thức mới cho các nhà ngoại giao sau thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2.

Trong buổi họp báo ngày 5/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders từ chối bình luận về thông tin Triều Tiên đang xây lại các cơ sở hạt nhân. Theo bà Sanders, Nhà Trắng không thể bình luận về thông tin tình báo .

Theo Yonhap, các quan chức tình báo và báo cáo từ cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc cho biết, lò phản ứng 5 megawatt tại địa điểm hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyon (nơi sản xuất plutonium để chế tạo bom) đã không hoạt động từ cuối năm ngoái, không có dấu hiệu tái xử lý plutoni từ lò phản ứng, các đường hầm tại khu thử nghiệm nhân ở Punggye-ri vẫn bị đóng cửa. Tuy nhiên những cơ sở hạt nhân này vẫn cần được giám sát để đảm bảo cam kết chấm dứt thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.

Diệu Anh
Phiên bản di động