Trẻ sơ sinh nguy kịch do người lớn bất cẩn, chăm sai cách

Trong vòng hai tháng nay, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã ghi nhận ba trường hợp trẻ sơ sinh tử vong...
7 lưu ý phòng bệnh cho trẻ vào mùa lạnh Trẻ 11 tháng ngộ độc thuốc nhỏ mũi
Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận nhiều trẻ sơ sinh bị tai nạn do sự bất cẩn và quan niệm chăm sóc sai lầm của người lớn
Bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận nhiều trẻ sơ sinh bị tai nạn do sự bất cẩn và quan niệm chăm sóc sai lầm của người lớn

Một trẻ sơ sinh vừa tử vong khi ngủ chung với bố do bị kẹt ở khe giường, ngạt thở. Những vụ tai nạn nghiêm trọng của trẻ sơ sinh do sự bất cẩn của người lớn thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cảnh báo một số người lớn vẫn còn chủ quan, sai lầm khi chăm sóc trẻ.

Bị phỏng khi ngủ chung với cha mẹ

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, không ít trẻ sơ sinh được đưa tới bệnh viện cấp cứu do các tình huống bất ngờ xảy ra khi nằm chung với cha mẹ. Cách đây vài ngày, một bé trai hai tuần tuổi tên P.V.K. - ở Q.Bình Tân, TP.HCM - nhập viện trong tình trạng bị phỏng tay và lưng. Sau khi điều tra bệnh sử, các bác sĩ mới biết, mẹ bé dùng túi chườm nóng (đựng nước sôi bên trong) để dằn bụng.

Theo quan niệm dân gian, sau khi sinh, phụ nữ chườm nóng bụng sẽ giúp tử cung mau co lại, nhanh hết sản dịch, bụng không bị sồ sề, mau chóng trở lại vóc dáng như lúc chưa mang thai. Không may, nút vặn của túi chườm bị lỏng khiến nước sôi bên trong đổ ra ngoài, làm bé K. bị phỏng. Nghe bé khóc thét, người nhà hoảng hốt bế bé lên, dùng khăn nhúng nước lạnh áp lên phần da bị phỏng rồi vội vàng đưa đi cấp cứu.

Các bác sĩ ghi nhận, bé K. bị tổn thương do phỏng nước sôi ở phần lưng và tay, một số vị trí bị phỏng độ 2. Sau khi xử trí vết thương tại chỗ, bệnh nhi được theo dõi cho tới khi ổn định rồi về điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Theo bác sĩ Phương, bé K. vẫn còn may mắn vì không bị phỏng sâu tới gân, cơ.

Suýt chết do uống phải rượu, nước củ dền

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng vừa tiếp nhận, điều trị cho bé gái 20 ngày tuổi bị ngộ độc rượu, được chuyển từ Q.Tân Phú, TP.HCM đến. Bé gái nhập viện trong tình trạng đỏ da, bứt rứt, quấy khóc, nhịp tim nhanh.

Cha của bệnh nhi cho biết, lúc pha sữa, bà ngoại bé thường pha bằng nước sôi rồi đổ thêm nước nguội để sữa ấm, vừa uống. Nhưng lần này, lúc lấy nước nguội pha thêm vào nước sôi, bà đã lấy nhầm rượu trắng đựng trong chai nước suối. Sau khi bé uống hết bình sữa, cha bé đem bình đi rửa thì ngửi thấy mùi rượu, kiểm tra lại mới biết bà lấy nhầm rượu để pha sữa cho con mình.

Theo bác sĩ Phương, trẻ sơ sinh uống nhầm rượu có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, viêm phổi hít (do bị sặc), nhịp tim nhanh. Nếu uống nhầm lượng rượu lớn, trẻ có thể trụy tim mạch và tử vong.

Cách đây hai ngày, một bé trai 15 ngày tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tím tái, suýt không qua khỏi do người lớn pha sữa. Mẹ của bệnh nhi sinh con đầu lòng, tất cả việc chăm sóc, nuôi dưỡng bé đều nghe theo ông bà. Thấy bé đi tiêu bị bón, bà nội bé nghe lời hàng xóm, lấy nước luộc rau cải, củ dền pha sữa cho bé uống. Bà cho rằng củ dền bổ máu, rau cải nhuận trường, đem pha sữa sẽ có ích cho hệ tiêu hóa của bé.

Sau khi uống sữa, toàn thân bé tím tái khiến cả nhà hoảng sợ, vội vã đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị thiếu men G6PD (glucose-6-phosphate dehydrogenase). Đây là một chất nằm trên màng hồng cầu, giúp hồng cầu ổn định về hình thái trước các chất gây ô-xy hóa. Khi thiếu men G6PD, chất lượng hồng cầu bị giảm sút, dễ vỡ, gây nên hiện tượng tan máu, thiếu máu của cơ thể.

Trẻ thiếu men G6PD mà ăn rau cải, củ dền (các thực phẩm giàu chất ô-xy hóa) sẽ bị tím tái, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhi này bằng cách cho dùng thuốc đối kháng để các tế bào hồng cầu tiếp nhận được ô-xy.

Viêm phổi do bị sặc nước

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng vừa tiếp nhận một bé sơ sinh bảy ngày tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM, bị viêm phổi hít do sặc nước. Trong lúc bà ngoại tắm cho bé, bà dùng bàn tay đỡ đầu bé và đặt bé nằm lên cánh tay, tay còn lại cầm khăn lau, rửa cho bé. Do bé quấy khóc, giãy giụa nên bà làm rơi bé vào trong chậu nước tắm đầy bọt xà bông.

Tại bệnh viện, sau khi chụp X-quang, các bác sĩ ghi nhận, hai bên phổi bé đều có tổn thương. Bé may mắn thoát chết nhưng màng phế nang phổi cũng bị ảnh hưởng do hít sặc nước xà bông vào phổi lúc khóc trong thau nước.

Trong vòng hai tháng nay, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã ghi nhận ba trường hợp trẻ sơ sinh tử vong. Trong đó, hai ca do hít sặc sữa, một ca ngạt thở do kẹt vào khe giường. Cả ba trường hợp này đều đã ngưng tim, ngưng thở, qua đời trước khi kịp đưa tới bệnh viện.
Từ những trường hợp tai nạn nghiêm trọng như trên, bác sĩ Đinh Tấn Phương một lần nữa lưu ý các phụ huynh cần tuân thủ một số nguyên tắc để giữ an toàn cho các bé:

- Không để trẻ ngủ chung giường với người lớn. Hãy để trẻ nằm nôi đặt gần giường cha mẹ. Nôi phải đảm bảo thông thoáng, có các kẽ hở để tránh nguy cơ trẻ bị ngạt.

- Không nằm than. Nếu vì tập quán, người mẹ bắt buộc phải nằm than sau khi sinh thì không để trẻ ở chung phòng.

- Không dùng nước rau củ pha sữa cho trẻ. Trước khi pha sữa, phải kiểm tra thật kỹ nước cũng như nhiệt độ của nước, tránh nhầm lẫn với các hóa chất khác.

- Khi tắm trẻ phải có tư thế vững vàng. Nên đặt tấm lưới tắm trong chậu để tránh tuột tay, làm rớt em bé.

- Không cài kim băng, vật sắc nhọn lên áo em bé. (Trên thực tế, có một số người cài khăn tay hoặc dùng kim băng gắn bùa bình an cho trẻ. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã từng ghi nhận một bé sơ sinh lúc quơ quào tay, nắm chiếc kim băng cài trên áo bỏ vào miệng. Sau đó, các bác sĩ phải nội soi đường tiêu hóa để gắp chiếc kim băng ra).

Nguồn: Báo Phụ nữ
www.phunuonline.com.vn
Phiên bản di động