Trẻ mắc tăng động, giảm chú ý - gánh nặng đường dài

Quá trình điều trị chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý cho trẻ là “gánh nặng” cả về kinh tế lẫn chăm sóc cho gia đình và xã hội, Ths.BS Lê Công Thiện, Viện sức khỏe Tâm thần BV Bạch Mai cho biết.  
Mẹ cùng con tăng động, giảm chú ý đi bộ 5km mỗi tối

Cách đây nhiều năm, có bệnh nhân Trần Ánh Dương 11 tuổi tới khám ở Viện sức khỏe tâm thần với biểu hiện nghịch ngợm khủng khiếp. Theo lời tường thuật, nhà cháu phải thuê 2-3 người giúp việc để trông một mình cháu, tuy nhiên không một ai trụ được lâu. Bởi vì khi người giúp việc đang ngủ, cháu tè vào mặt họ hoặc là lấy viên gạch đặt lên mặt. Khi đến viện khám, các bác sĩ đã hội chẩn và xác định cháu mắc chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý. Sau nhiều năm điều trị bằng thuốc và can thiệp hành vi, cháu đã đi học và đi làm được.

Ths.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần Nhi đã kể lại câu chuyện trên trong họp báo về chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý chiều 7/5.

Theo thông tin trong họp báo, tăng động giảm chú ý (hyperactivity disorder - ADHD) là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Các yếu tố nguy cơ có thể biểu hiện từ rất sớm ngay từ những tuần đầu, tháng đầu khi bé nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, hay khóc, rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, các biểu hiện này của trẻ có thể do các nguyên nhân khác như trẻ đói, trẻ bị nóng lạnh…

Lớn hơn một chút, khi bắt đầu biết đi các biểu hiện này rõ dần hơn như trẻ dễ bị kích động về mặt cảm xúc, la hét ồn ào, luôn nhấp nhỏm, chạy nhảy, leo trèo…

Ở lứa tuổi lớn hơn nữa, trẻ gặp khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác...

tre mac tang dong giam chu y ganh nang duong dai
Ths.BS Lê Công Thiện đang lắng nghe bố bệnh nhân mắc rối loạn tăng động giảm chú ý nói về các biểu hiện của bé sau điều trị.

Theo BS Thiện, độ tuổi đi khám xác định chính xác nhất chứng rối loạn này là khi trẻ lên 6. Và kíp khám phải có cả bác sĩ lẫn chuyên gia tâm lý. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp đúng cách có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện, phục hồi chứng năng cho trẻ bị tăng động, giảm chú ý.

Tuy nhiên, có một điều khiến các BS ở khoa Tâm thần Nhi cảm thấy buồn là các gia đình thường bỏ ngang điều trị. Có hai nguyên nhân được BS Thiện chỉ ra, đó là:

Thứ nhất, quá trình điều trị chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý theo mô hình bệnh mạn tính không lây, tức là điều trị lâu dài, có khi cả đời. Tuy nhiên, người Việt Nam đã quen với mô hình điều trị bệnh lý lây nhiễm nên cứ thấy triệu chứng ổn định rồi là bỏ điều trị. Trong khi đó, có 50-60% trẻ bị ADHD lớn lên vẫn còn triệu chứng.

Thứ hai, quá trình điều trị ADHD cho trẻ là “gánh nặng” cả về kinh tế lẫn chăm sóc cho gia đình. Gánh nặng về chăm sóc có thể thấy ngay như trường hợp bé Ánh Dương ở trên. Chưa kể bố mẹ phải theo sát can thiệp hành vi, mất rất nhiều thời gian, công sức đưa bé đi theo dõi định kì. Kèm theo đó là gánh nặng kinh tế khi một viên thuốc điều trị chứng ADHD có giá từ 50.000-60.000 đồng. Mỗi ngày điều trị, người mắc ADHD dùng từ 1-2 viên. Phải điều trị ít nhất 3 tháng mới có hiệu quả. Thời gian dùng thuốc tối thiểu là 12 tháng và càng dài càng tốt theo những đáp ứng lâm sàng do bác sĩ theo dõi chỉ định. Trong khi thuốc này không được bảo hiểm y tế chi trả.

Chính vì vậy, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần bệnh viện Bạch Mai qua báo chí cũng muốn đề xuất lên Bộ Y tế đưa danh mục thuốc điều trị ADHD vào danh mục được bảo hiểm chi trả.

BS Thiện cũng chia sẻ thêm, tại nhiều nước, cha mẹ có con mắc chứng rối loạn ADHD được trả nguyên lương trong thời gian đưa con đi khám. Phía trường học cũng có những hỗ trợ riêng cho trẻ.

Huyền My
Phiên bản di động