Tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay

TTTĐ - Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.
Bắc Giang: Phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, thất nghiệp, y tế Hiểu đúng về BHXH và bảo hiểm thương mại Vay vốn và tham gia bảo hiểm tại BAC A BANK nhận ưu đãi tới 5 triệu đồng

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội

So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý nhiều nội dung tại dự thảo mới nhất.

Chẳng hạn, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là Giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành).

Dự thảo cũng bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật đã quy định tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng thống nhất nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng, đạo đức hành nghề của đại lý bảo hiểm.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: Sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…

Có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định về thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phá sản (Điều 99).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định thủ tục phá sản riêng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Sau khi Bộ Tài chính chấm dứt kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm;

Đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”.

Để hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật đã có quy định điều cấm về "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.

Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật.

Liên quan đến Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, vấn đề còn quan điểm khác nhau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án thứ nhất: Bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.

Tuy nhiên, cơ quan tiếp thu, giải trình vẫn nêu phương án thứ hai: Giữ nguyên quy định cũ về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đây là phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Chính phủ cho rằng, trường hợp dừng trích lập quỹ, khi phát sinh doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng thanh toán vẫn cần có công cụ để bảo đảm quyền lợi cho người được bảo hiểm. Mặc dù dự thảo Luật đã chuyển đổi sang phương thức can thiệp sớm, quản lý trên cơ sở rủi ro với 3 bước phòng vệ, tuy nhiên, vẫn không thể bảo đảm chắc chắn phòng ngừa 100% rủi ro, đặc biệt đối với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Do đó, việc duy trì Quỹ là cần thiết.

Huy Dương
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động