Trải nghiệm hành trình “Dòng sông lụa” gợi lại ký ức dâu tằm xưa
Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực khôi phục lại nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa truyền thống |
Trải nghiệm “Dòng sông lụa” là ý tưởng của Tập đoàn Hoi An Silk Group nhằm khơi lại dòng Thu Bồn bạt ngàn dâu xanh xưa kia. Hành trình trải nghiệm thú vị này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và Thế giới lần V/2019 được tổ chức tại TP Hội An, (tỉnh Quảng Nam).
Sông lụa Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam. Cách đây khoảng 300 năm, nhờ các bãi bồi ven sông đầy ắp phù sa, người nông dân đã phủ lên một vùng dâu trù phú xanh ngút tầm mắt.
Dù đã từng biết đến vùng đất từng là thủ phủ dâu tằm một thời, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa trên thế giới trải nghiệm trong chuyến hành trình vẫn không khỏi ngạc nhiên khi biết về quy mô sản xuất trong thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề nuôi tằm - dệt lụa Quảng Nam.
Cả làng Mã Châu (Quảng Nam) lúc bấy giờ thường xuyên có hơn 4.000 khung cửi đưa thoi ngày đêm. Có thời điểm, diện tích trồng dâu tằm cho làng lụa Mã Châu lên đến hàng ngàn hecta trải dài dọc hai bên bờ sông Thu Bồn.
Người Pháp đã từng xây dựng nhà máy dệt lụa lớn nhất Đông Nam Á và biến vùng đất này thành nơi sản xuất lụa lớn nhất khu vực xuất khẩu sang các nước Châu Âu.
“Tôi thực sự ấn tượng vùng đất này, nó đã từng nổi tiếng và mang thương hiệu lớn về dâu tằm và tơ lụa một thời gian dài cả mấy thế kỷ liền. Và nay, với thiên nhiên ưu đãi cùng lợi thế về sông ngòi, Hoi An Silk Group đầu tư phát triển thành công thì không chỉ mang lại kinh tế đơn thuần, mà cả du lịch nơi đây cũng sẽ phát triển mạnh” - Ông Fei Jianming, Chủ tịch Hiệp hội tơ lụa thế giới chia sẻ.
Hai năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam có chủ trương khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm - dệt lụa. Theo đó, đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, làng nghề, doanh nghiệp đã đưa ra cái nhìn đa chiều, toàn cảnh về bức tranh làng nghề dâu tằm, tơ lụa của Quảng Nam, cũng như những hướng đi khả dĩ nhằm vực dậy một nghề đang lụi tàn nhưng có cơ may sống lại rực rỡ.
Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoi An Silk Group chia sẻ trong chuyến hành trình: Chúng tôi đã đi tham quan mô hình, dự hội thảo ở nhiều nước trên thế giới có nghề nuôi tằm phát triển như: Nhật Bản, Mexico, Trung Quốc…và đã cùng các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tiến hành khảo sát và tổ chức hội thảo tại Bảo Lộc (Lâm Đồng).
“Chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống nhà nuôi tằm, ươm kén với các trang thiết bị chuyên biệt được nhập từ nước ngoài, có thể bảo đảm môi trường cho tằm phát triển tốt nhất, và chất lượng tơ theo chuẩn thế giới. Kỹ thuật canh tác dâu cũng sẽ được cơ giới hóa, để giảm sức lao động của con người”. – Ông Vũ cho biết.
Với quy hoạch 2.500 ha chuyên canh trồng dâu dọc theo sông Thu Bồn đã được tỉnh Quảng Nam phê duyệt, nhiều nơi ở Điện Bàn, Đại Lộc hiện nay đã và đang triển khai lại nghề trồng dâu, nuôi tằm. Hiện, Tập đoàn Hoi An Silk Group đang lựa chọn con giống giữa giống Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… nuôi thử nghiệm và sẽ chọn ra loại nào hợp với khí hậu và cho năng xuất hiệu quả cao.
Ông Lê Thái Vũ cho biết thêm, ngoài các sản phẩm tơ lụa, thì yếu tố thu hút khách du lịch đến với làng nghề cũng rất khả quan. Cứ tưởng tượng sau vài năm nữa thôi, hàng ngàn hecta dâu sẽ phủ màu xanh ngắt dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, một tour du lịch sông nước, trải nghiệm tại những bãi dâu, thưởng thức những sản phẩm chế biến từ cây dâu tằm như: trà dâu, rượu dâu… sẽ được triển khai trong nay mai. Đó chính là cơ sở để bảo đảm tương lai cho người nông dân làm giàu từ cây dâu trên chính đồng đất quê mình. Ngoài ra, qua nghiên cứu, dâu là loại cây có thể chống xói lở bờ sông rất hiệu quả, phục hồi rất nhanh môi trường hệ sinh thái khu vực ven sông.