TPBank “đổ lỗi” cho chủ đầu tư khi bị khách hàng “tố” về nghĩa vụ bảo lãnh
Nợ xấu của TPBank tăng mạnh, lên mức 1.175 tỷ đồng |
Ngân hàng TMCP Tiên Phong dừng bảo lãnh dự án, khách hàng lo "vỡ trận" |
Cuối cùng MobiFone cũng bán hết cổ phần tại TPBank |
Mua nhà vì tin TPBank đã bảo lãnh dự án
Như Tuổi trẻ và Pháp luật thông tin, nhiều khách hàng đã đóng tiền để mua căn hộ chung cư tại dự án Eco Green Tower (số 1 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội do Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (Sông Đà 1.01) làm chủ đầu tư. Khi ký kết hợp đồng mua căn hộ, Sông Đà 1.01 có thông tin cho khách hàng về việc TPBank tài trợ vốn trên cơ sở Hợp đồng cấp tín dụng hạn mức số 75-04.16/HMBL/TBBANK/TTKD.HO ngày 21/11/2016 và thông báo phát hành báo lãnh cho Sông Đà 1.01 tại văn bản số 68/2016/CV/TPB-TTKDHO ngày 22/11/2016.
Văn bản của Ngân hàng TMCP Tiên Phong gửi Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. |
Tuy nhiên, thời gian dự kiến bàn giao nhà đã trôi qua cả năm trời nhưng đến nay khách hàng vẫn chưa được nhận căn hộ. Dự án thì ngừng thi công trong quá trình hoàn thiện, khách hàng không thể gặp mặt được chủ đầu tư để làm rõ sự việc...
Khách hàng tiếp tục tụ tập tại trụ sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong. |
Cực chẳng đã, khách hàng lại tiếp tục kéo nhau tới trụ sở TPBank để đề nghị ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.
Ngân hàng nói do chủ đầu tư không nộp hồ sơ khách hàng
Liên quan đến vấn đề này, phía TPBank đã “đổ lỗi” cho Sông Đà 1.01 khi cho rằng không nhận được bất cứ một bộ hồ sơ đề nghị phát hành bảo lãnh cho người mua nhà nào từ Chủ đầu tư (Sông Đà 1.01 - pv) chính vì thế ngân hàng chưa phát hành bất cứ một bảo lãnh nào cho khách hàng.
Dự án Eco Green Tower, số 1 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. |
Cùng với đó, ngân hàng này cho rằng, theo quy định, TPBank được phép có hợp đồng cấp hạn mức bảo lãnh cho chủ đầu tư, với bên nhận bảo lãnh được xác định theo từng lần cụ thể. Thực hiện đúng quy định, ngân hàng có ký thoả thuận cấp hạn mức bảo lãnh với chủ đầu tư để bảo lãnh cho người mua nhà, sau đó trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư và bên mua, ngân hàng sẽ phát hành cam kết bảo lãnh riêng cho từng bên mua và có trách nhiệm hoàn trả cho người mua nhà trên cơ sở văn bản cam kết bảo lãnh đã phát hành cho từng bên mua, tuỳ theo số tiền cụ thể được ghi trong cam kết bảo lãnh với từng người mua, trong trường hợp chủ đầu tư không giao nhà theo đúng thoả thuận.
Nhiều khách hàng đã đến trụ sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong để đề nghị ngân hàng có câu trả lời thỏa đáng. |
Khi cấp hạn mức bảo lãnh, ngân hàng luôn yêu cầu chủ đầu tư phải chỉ dẫn cho bên mua nộp tiền hoặc chuyển khoản vào tài khoản tại ngân hàng, để ngân hàng quản lý, đảm bảo đủ nguồn vốn cho việc hoàn thành dự án và ngân hàng thường chỉ bảo lãnh cho người mua trên cơ sở số tiền họ nộp hoặc chuyển vào ngân hàng. Bên mua nhà, thường do tin tưởng hoặc coi nhẹ vấn đề pháp lý, hoặc do muốn tiết kiệm chi phí bảo lãnh phát sinh, nên đã không yêu cầu chủ đầu tư phải có thư cam kết bảo lãnh cho mình.
Khách hàng cho rằng chủ đầu tư và ngân hàng đã lừa dối mình. |
Trong khi đó, các khách hàng cho rằng việc phát hành chứng thư bảo lãnh cho các cá nhân phải do chủ đầu tư và ngân hàng chủ động hướng dẫn, thực hiện: “Chúng tôi không nhận được bất cứ hướng dẫn nào về việc chứng thư bảo lãnh, chỉ có hướng dẫn nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của chủ đầu tư tại TPBank. Cùng với đó, có nhiều người mua căn hộ tại đây phải vay tiền ngân hàng này, sao ngân hàng vẫn cho vay trong khi không có gì bảo lãnh? Chúng tôi cho rằng TPBank đang cố tình “lách luật” dựa vào việc không phát hành chứng thư”. Khách hàng mua nhà tại dự án Eco Green Tower nói.
Đây không phải lần đầu tiên khách hàng tụ tập trước trụ sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong để đòi quyền lợi. |
Trước đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, những khách hàng nói trên đã làm đơn đề nghị TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, hoàn trả lại số tiền mua nhà đã giao dịch qua ngân hàng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày làm đơn vẫn không nhận được thông tin hồi đáp.
Cũng theo các khách hàng, hiện tại chủ đầu tư dự án Eco Green Tower là Sông Đà 1.01 đã không còn khả năng thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng đã "bỏ trốn" khi khách hàng đã không thể tìm cách gặp mặt.
Cực chẳng đã, nhiều khách hàng đã cùng nhau tụ tập trước Hội sở ngân hàng này tại địa chỉ 57 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm để căng băng rôn đề nghị ngân hàng có một buổi đối thoại với khách hàng để khách hàng được thắc mắc cũng như hiểu rõ được nghĩa vụ của ngân hàng trong dự án này.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.