TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc): Nỗ lực giảm thiểu tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên nêu rõ, trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ tại thành phố Phúc Yên đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, từng bước khống chế gia tăng mức sinh, duy trì mức sinh thay thế đã đạt được, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao mức sống người dân, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số.
Ông Nguyễn Tiến Thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên phát biểu tại sự kiện |
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ trong cả nước đang đối mặt với các nguy cơ, thách thức đó là: Mặc dù mức sinh tương đối ổn định, nhưng tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động.
Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải đối với công tác DS-KHHGĐ ở nước ta, đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Do những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn con gái vẫn thể hiện rõ trong đời sống xã hội Việt Nam.
Toàn cảnh chương trình hội nghị cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác dân số phát triển và Mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2023. |
Nếu như trong những năm 90, tỷ lệ nam/nữ trong dân số Việt Nam chênh lệch không lớn (96,7 nam so với 100 nữ) thì sang những năm 2000 và gần đây, tỷ số giới tính khi sinh khá cao, liên tục tăng và nghiêng về trẻ em trai. Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là: 110 trẻ trai/100 trẻ nữ (110/100), cao ở mức thứ 4 trên thế giới, năm 2019 tỷ lệ giới tính khi sinh của cả nước là: 111,5 bé trai/100 bé gái.
Hiện nay, Vĩnh Phúc là nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, trong đó, thành phố Phúc Yên là một trong những đơn vị có sự chênh lệch giới tính trẻ nam cao hơn trẻ nữ cao nhất trong toàn tỉnh.
Năm 2010 sự chênh lệch giới tính khi sinh của thành phố Phúc Yên là 100.7 bé trai/100 bé gái. Năm 2016 sự chênh lệch giới tính khi sinh là 121bé trai/100 bé gái. Năm 2019 sự chênh lệch giới tính khi sinh là 116 bé trai/100 bé gái. Năm 2022 sự chênh lệch giới tính khi sinh là 136 bé trai/100 bé gái.
Ths.Bs Nguyễn Tân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng, Tổng cục DS-KHHGĐ đã truyền tải những thông tin quan trọng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ và mất cân bằng giới tính khi sinh. |
Nguyên nhân của tình trạng trên là do phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống thích con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, có con trai để thừa kế gia sản đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Con trai để phụng dưỡng chăm sóc bố mẹ khi ốm đau, bệnh tật.
Để công tác Dân số-KHHGĐ hoạt động có hiệu quả, UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch giai đoạn: Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 21/01/2021 ngày 29 tháng 4 năm 2021; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh trên địa bàn thành phố Phúc Yên giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 6 tháng 4 năm 2021 Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam trên địa bàn thành phố Phúc Yên giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 145 ngày 24 tháng 8 năm 2021 Kế hoạch điều chỉnh mức sinh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 152 ngày 28 tháng 4 năm 2021 Kế hoạch Thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Phúc Yên.
Nhằm từng bước khống chế, giảm thiểu tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh, thành phố Phúc Yên đã đưa ra nhiều giải pháp: Thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục nói chung và truyền thông chuyển đổi hành vi về công tác DS – KHHGĐ. Triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số tại địa phương: Đề án chăm sóc sức khỏe vị thành niên thanh niên, đề án sàng lọc trước sinh sơ sinh, đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt triển khai có hiệu quả đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến các xã, phường, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong toàn thành phố trong việc thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Triển khai thực hiện một cách linh hoạt trong công tác truyền thông, đồng thời nâng cao nhận thức, vận động người dân sinh con có trách nhiệm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, không chọn lọc giới tính khi sinh, để việc sinh con thuận theo cách tự nhiên.
Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, từ các cấp lãnh đạo chính quyền đến mọi người dân phải đồng lòng để cho quá trình sinh đẻ diễn ra một cách tự nhiên, tuyệt đối không có sự can thiệp về giới tính thai nhi của y học và khoa học.