Tin tức Bất động sản tuần qua: Nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường
Đâu là điểm sáng cho bất động sản năm 2021 Điểm tin bất động sản trong tuần: Làm sao để giảm giá nhà? Bất động sản khắp nơi đang leo cao, bất ngờ xuất hiện thị trường giảm giá |
Hải Phòng khởi động nhiều dự án lớn
Ngày 21/11, tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC) chính thức khởi động dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà (Cát Bà Amatina).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. |
Cát Bà Amatina do Vinaconex-ITC làm chủ đầu tư có tổng diện tích 172,38ha, tọa lạc tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Dự án thuộc khu vực tam giác phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), nằm trên hành lang phát triển công nghiệp-thương mại-dịch vụ của vùng duyên hải Bắc bộ; đồng thời, thuộc chuỗi cảng biển chính, cửa ngõ kinh tế biển khu vực miền Bắc.
Dự án trải dài gần 3km ven tuyến đường xuyên đảo, tại vị trí cửa ngõ vào trung tâm đảo Cát Bà.
Cùng ngày, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp bến Rừng (huyện Thủy Nguyên) với tổng mức đầu tư 1.141 tỷ đồng.
Dự án gồm hợp phần xây dựng đường tỉnh 359, xây dựng 5.076m đường phố chính đô thị thứ yếu với vận tốc thiết kế 60km/h và hợp phần xây dựng khu tái định cư, xây dựng đường vào khu tái định cư dài 720m. Xây dựng hạ tầng khu tái định cư gồm: san lấp mặt bằng; hệ thống đường giao thông nội bộ, hè đường, cây xanh; hệ thống thoát nước mưa, nước thải; hệ thống cấp điện dân dụng, điện chiếu sáng...
Sau khi hoàn thành, cùng với cầu Bến Rừng sắp được triển khai xây dựng, tuyến đường 359 sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc tại khu vực, nâng cao tính kết nối đồng bộ giữa trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên và kết nối với tỉnh Quảng Ninh. Đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển du lịch và tiếp tục mở ra cơ hội khai thác quỹ đất để phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường.
Nhà ở giá thấp: Cần tháo gỡ nhiều 'nút thắt'
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng hiện đang đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ các “nút thắt”, nhằm tạo điều kiện để phát triển loại hình nhà ở này.
Từ vài năm trước, ý tưởng xây dựng căn hộ 25m2 đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp của Bộ Xây dựng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Điều khiến dư luận lo ngại nhất là sẽ hình thành nên một khu “ổ chuột” với sự quá tải của hạ tầng và dân số.
Mới đây, tại báo cáo thị trường bất động sản gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng khẳng định đang có sự mất cân đối về nhà ở: trong khi nhà giá thấp thưa thớt, thậm chí vắng bóng trên thị trường, thì nhà ở trung - cao cấp lại dư thừa.
Tại Nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, cả nước mới xây dựng được 5,2 triệu m2, trong đó cho người thu nhập thấp ở đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân ở khu công nghiệp là 2,3 triệu m2, đáp ứng 41,5% nhu cầu.
Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra, là do cơ chế chính sách chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư; thủ tục còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án NƠXH và chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã chỉ ra tới hơn 10 bất cập chính đang "kìm hãm" quá trình phát triển NƠXH.
Điển hình như việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá thấp; bất cập khi sử dụng quỹ đất công để làm NƠXH; bất cập khi sử dụng quỹ đất do doanh nghiệp tạo lập làm dự án NƠXH; bất cập trong quy định về cách tính giá trị "quỹ đất 20%"…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để giải bài toán này trong thời gian tới, Chính phủ và Thủ tướng đã có chỉ đạo và nhiều giải pháp đang được triển khai thực hiện. Trước hết là ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích căn hộ tối thiểu 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn, các địa phương bố trí quỹ đất, hạ tầng…
Đồng thời, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua NƠXH.
“Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện, cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp khi chủ đầu tư tham gia làm nhà thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2 sẽ được ưu tiên chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 2 năm, giảm 50% tiền sử dụng đất, được miễn thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, ưu đãi về vốn, lãi suất vay vốn ngân hàng từ 7 - 8%/năm.
Nếu dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng...
Điểm đặc biệt theo Bộ Xây dựng, Chính phủ sẽ yêu cầu các địa phương khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp tương đương tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án.
Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ, sửa đổi các quy định để tháo gỡ vướng mắc thủ tục nhằm tăng nguồn cung nhà ở, góp phần bình ổn thị trường.
Nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng đánh giá, nhìn chung, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã có tiến triển tốt, sôi động hơn trong những tháng cuối năm với nhiều tín hiệu lạc quan, tích cực.
Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng, tác động tích cực đến thị trường.
Cụ thể như Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư cùng hàng loạt Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành...
Đáng chú ý, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14); trong đó, có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 15/8/2020 và một số nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.
Thị trường bất động sản. |
Theo đó, sẽ có 10 trường hợp miễn phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2020 và một số những quy định hoàn toàn mới của Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Như vậy, từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành thì các quy định về miễn giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thuận lợi cho quản lý cũng như người dân trong xây dựng công trình.
Các chuyên gia dẫn chứng, từ ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư và Thông tư số 22/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
Các Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 đã giúp tháo gỡ một số vướng mắc trong việc lập quy hoạch và thiết kế nhà ở đô thị, nhà ở chung cư. Đây chính là cơ sở để các chủ đầu tư lập quy hoạch, thiết kế dự án nhà ở, dự án nhà chung cư và các cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thiết kế dự án nhà ở, nhà chung cư.
Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và dự thảo Nghị quyết về phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp… để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản. Các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.
Làm rõ việc xây tầng lánh nạn đẩy giá căn hộ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh của báo chí về việc quy định chung cư bố trí tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao.
Văn bản nêu rõ: "Mới đây, báo chí phản ánh việc việc quy định nhà từ 30 - 50 tầng phải bố trí 1 - 2 tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện được. Lâu nay, quy định về tầng kỹ thuật đã rất rõ ràng, nhưng việc thực hiện không đúng diễn ra rất nhiều chung cư. Nhiều chủ đầu tư chiếm dụng tầng kỹ thuật, trục lợi hàng tỷ đồng".
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp nghiên cứu, đề xuất.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng, UBND TP HCM kiến nghị xây phòng lánh nạn tại các chung cư cao tầng.
Theo HoREA, Nhà nước đã chủ trương phát triển nhà chung cư cao tầng tại các đô thị. Việc này nhằm để sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả, dành nhiều không gian trên mặt đất cho giao thông, cây xanh, mặt nước, dịch vụ và tiện ích đô thị.
Hiện nay, trong cả nước ngày càng có nhiều tòa nhà cao tầng, trong đó, có những tòa nhà có chức năng hỗn hợp, có khu căn hộ như Landmark 81 cao 461,3 m, Kaengnam Landmark 72 cao 336 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m… Đối với các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM đã hình thành xu thế người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ nhà chung cư cao tầng, nhất là các dự án được xây dựng trong khoảng 10 năm qua, vì được đầu tư bài bản và có nhiều tiện ích, dịch vụ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng làm rõ việc xây tầng lánh nạn chung cư khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao. |
Được biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD (quy chuẩn 06:2020) về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/7 áp dụng bắt buộc với tất cả các chủ đầu tư làm dự án nhà cao tầng với nhiều điểm mới.
Trước đây quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) công trình chỉ áp dụng cho các tòa nhà có 1 tầng hầm, chiều cao dưới 75m (tòa nhà dưới 30 tầng), tuy nhiên, trong thực tế phát triển nhà ở hiện nay, số tòa nhà có chiều cao vượt 75m, có nhiều hơn 1 tầng hầm ngày càng nhiều tại các đô thị.
Vì vậy, quy chuẩn 06:2020 về an toàn phòng cháy chữa cháy lần này được Bộ Xây dựng ban hành mở rộng phạm vi điều chỉnh pháp dụng với tòa nhà có 3 tầng hầm, chiều cao công trình tới 150m (trừ trường học và bệnh viện)…
Quy chuẩn mới này cũng quy định rõ nhà có chiều cao trên 100m phải bố trí tầng lánh nạn, trên tầng lánh nạn phải bố trí gian lánh nạn đảm bảo yêu cầu tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Không cho phép bố trí các căn hộ hoặc một phần căn hộ trên tầng lánh nạn…