Tìm ra nguồn gốc virus gây Covid-19 ở Hải Dương
COVID-19: "Sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa" WHO nói về khả năng COVID-19 truyền qua thức ăn Làm gì để phá vỡ chuỗi lây truyền SARS-CoV-2? |
“Thông tin bước đầu chúng tôi nhận được là mã gen của virus SARS-CoV-2 của ca bệnh ở Hải Dương giống với chủng virus đang gây bệnh ở TP Đà Nẵng. Kết quả phân tích do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện”, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết.
Một đại diện của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng xác nhận kết quả trên.
Mẫu bệnh phẩm được được tiến hành phân tích, giải trình tự gen là của BN867 (nam, 63 tuổi, ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Trường hợp này được xác định mắc Covid-19 khi đến khám tại một bệnh viện của Hà Nội.
Đây cũng là ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện liên quan đến ổ dịch mới nhất của Hải Dương. Từ trường hợp này, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 4 ca mắc mới.
Như vậy, đến nay, liên quan đến ổ dịch này, Hải Dương đã xác nhận 5 ca mắc gồm: 3 người là nhân viên của nhà hàng Thế giới bò tươi (địa chỉ số 36 Ngô Quyền, thành phố Hải Dương), một người là mẹ chồng của con gái bệnh nhân 867 và bệnh nhân 950 là nam, 15 tuổi, có tiếp xúc gần với gia đình ở địa chỉ 36 Ngô Quyền.
Trước đó, trường hợp bệnh nhân 867 gây quan ngại nhiều với các chuyên gia y tế, do không xác định được lây tại Hà Nội hay Hải Dương và lây từ nguồn nào. Vì thế, Bộ Y tế đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gen virus SARS-CoV-2 của chùm ca bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người nhưng người phục vụ, khách hàng đều không đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
Chia sẻ với báo chí trước đó, GS. TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chủng virus SARS-CoV-2 được phân lập tại Đà Nẵng nằm trong nhóm D614G, gây bệnh chủ yếu ở châu Phi, Bangladesh, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam. Điều đáng mừng là chủng này lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. Những trường hợp nguy cơ tử vong cao là người già, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền
Theo chuyên gia, virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gen tạo ra nhiều chủng mới (genotype). Hiện tại, trên toàn thế giới virus này có tới 99 chủng đã được biết. Riêng tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng, khác hẳn với chủng tại TP. Vũ Hán (Trung Quốc).
Đặc tính của virus luôn biến đổi, đặc biệt là RNA. Khi một người nhiễm virus corona, nó sẽ nhân lên trong đường hô hấp. Mỗi lần như vậy khoảng nửa tá đột biến gen có thể xảy ra. Khi được truyền đến vật chủ, virus nào cũng sẽ có những đột biến nhỏ. Virus ở bệnh nhân A không thể giống hoàn toàn bệnh nhân B.
Điều này cũng đúng với virus corona mới. Vấn đề cần quan tâm là sự biến đổi của virus có ảnh hưởng đến bản chất của nó không ở đây là độc lực và yếu tố lây truyền (lây truyền nhanh hơn hay thay đổi về đường lây truyền). Nếu 2 đặc điểm này của virus không thay đổi thì coi như về dịch tễ học bản chất của virus không có gì khác.
Hiện nay, giới khoa học thế giới chưa nhận thấy virus này thay đổi nhiều về độc lực và phương thức lây truyền.