Tìm mô hình vận hành chung cư minh bạch
Vừa hoạt động, tầng hầm trong Khu đô thị Thanh Hà đã lênh láng nước thải |
Tại Hà Nội, gần đây đã xảy ra mâu thuẫn giữa các cư dân và ban quản trị tòa nhà tại nhiều chung cư như HUD 3 (quận Hà Đông), Hapulico (quận Thanh Xuân), Sông Hồng Park View (quận Đống Đa)... Nguyên nhân chủ yếu do cư dân tố cáo tình trạng thu - chi tài chính không công khai, minh bạch của các thành viên ban quản trị, dẫn đến tiêu cực.
Về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Trường, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho biết, ngoài phần thù lao chính và các khoản chi phí phụ cấp, đã xuất hiện tình trạng một số ban quản trị “bắt tay” với các đơn vị bán, bảo dưỡng, bảo trì các trang, thiết bị của tòa nhà để hưởng tiền chênh lệch và hoa hồng.
Thực tế, để quản lý, vận hành kỹ thuật một dự án nhà chung cư là không đơn giản. Công việc này đòi hỏi ban quản trị cần chuyên nghiệp, có tính chuyên môn cao trong điều hành và quản lý một tòa nhà chung cư.
Các thành viên trong ban quản trị chủ yếu là những người không am hiểu lĩnh vực quản lý, xây dựng, người về hưu hoặc đang có một công việc khác, không đủ thời gian cho công việc của tòa nhà. Chính những điều này đã dẫn đến hoạt động của ban quản trị tại một số chung cư thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu hiệu quả, gây bức xúc cho cư dân.
Luật Nhà ở năm 2014 đã công nhận sự tồn tại hợp pháp của ban quản trị chung cư, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quy định về nhiệm vụ, chứ chưa thật sự rõ ràng về trách nhiệm của tổ chức này. Do đó, phải có quy định rõ ràng về việc công khai bằng các hoạt động cụ thể như kiểm tra, giám sát hoạt động, tài liệu, hợp đồng, sổ sách… quy định cụ thể về các hình thức, phạm vi, nội dung công khai.
Bên cạnh đó, phải có các quy định về kiểm soát hoạt động và trách nhiệm từng thành viên của ban quản trị, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động.
UBND thành phố Hà Nội nên thành lập những công ty quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp để tiếp nhận từ chủ đầu tư hoặc giao việc quản lý vận hành cho chủ đầu tư trực tiếp triển khai dưới sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của thành phố.
Mô hình trên đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, khi chung cư được xây dựng xong, sẽ có các công ty quản lý được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực là có đủ năng lực vận hành quản lý nhà chung cư. Các công ty này sẽ quản lý các dự án nhà chung cư, không thông qua việc thành lập ban quản trị.
Đi kèm với đó là hành lang pháp lý, quy định cụ thể rõ ràng về quản lý nhà chung cư như phí gửi xe của mỗi khu vực, quy định về dịch vụ bảo vệ, dọn vệ sinh, bảo trì các hạng mục công trình để bảo đảm không có khuất tất trong thực hiện. Các công ty sẽ hoạt động theo các quy định đó, dưới sự giám sát của thành phố.
Trong tình trạng các ban quản trị chung cư còn đang loay hoay tìm hướng hoạt động thế nào cho minh bạch, hiệu quả như hiện nay, thì những đề xuất thế này cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu, để tìm hướng tháo gỡ, nhằm quản lý, vận hành nhà chung cư hiệu quả hơn.