“Tiếng gọi” - Triển lãm được trưng bày trong lòng một di sản công nghiệp

“Tiếng gọi” là một triển lãm hội hoạ của hoạ sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) được đặt tại nhà xưởng 3B, Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tại đây, những bức tranh lụa và vải oganza khổ lớn được bài trí khéo léo để trở thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại đặc sắc.
Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp Khai mạc Triển lãm "Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu"

Với khoảng 2.000m lụa và 15 tác phẩm trừu tượng biểu hiện trên chất liệu tổng hợp, ý tưởng của triển lãm “Tiếng Gọi” đã dần hoàn thiện trong quá trình hoạ sĩ Thu Trần setup (hình thành) tác phẩm.

Hoa sĩ Thu Trần nói: “Tôi cũng tự hoàn thiện tôi theo thời gian như thế, mỗi bước chân đi, mỗi nhịp thở đều mang lại ý nghĩa cho cá nhân mình, cảm ơn cuộc sống”.

“Tiếng gọi” - Triển lãm được trưng bày trong lòng một di sản công nghiệp
Không gian triển lãm "Tiếng gọi" của hoạ sĩ Thu Trần

Hòa quyện giữa sức mạnh và sự mềm mại

Đến với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, du khách đã có dịp thưởng thức triển lãm “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần tại nhà xưởng 3B, Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Hoạ sĩ Thu Trần cho biết, “Tiếng gọi” được lấy cảm hứng từ những ngày lao động thường nhật và triển lãm đã được hình thành phôi thai ý tưởng từ làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam).

Nữ họa sĩ kể, từ năm 2017 đến nay, chị và một nhóm hoạ sĩ luôn dành thời gian mỗi năm 1 lần đến làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh để ủng hộ chủ trương phát triển du lịch cộng đồng của thành phố Tam Kỳ.

Khi ấy, hoạ sĩ Thu Trần đã có ý tưởng về triển lãm này và tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm “Tiếng gọi” được nhân lên cho phù hợp không gian rộng lớn.

Chia sẻ với phóng viên, chị Thu Trần nói bản thân sởn gai ốc khi lần đầu bước vào phân xưởng, tận mắt chứng kiến một sự to lớn vạm vỡ của một nhà máy công nghiệp khổng lồ ngay trước mắt mình.

“Tiếng gọi” - Triển lãm được trưng bày trong lòng một di sản công nghiệp
Hoạ sĩ Thu Trần và hoạ sĩ Trịnh Minh Tiến đang trò chuyện và ngắm nhìn tác phẩm của triển lãm "Tiếng gọi"

Kỹ sư quản đốc phân xưởng Bùi Đức Nghĩa cho biết, nhà máy ra đời từ 1905 và 1973 được Ba Lan giúp chúng ta xây dựng. Đến nay, những khối bê tông, sắt thép, khung… vẫn còn nguyên đó.

“Nơi đây là cả một di sản văn hoá công nghiệp. Giá trị vật chất, tinh thần này cần được tôn vinh và phát triển cùng nghệ thuật đương đại nước nhà”, chị Thu Trần chia sẻ.

Ngắm nhìn vẻ đẹp của nhà máy, chị nhận thấy khi các dòng chảy hoà vào làm một trong không gian và tinh thần sắt thép của phân xưởng sẽ mang đến cho người xem một trải nghiệm tuyệt vời. Chính điều này đã thôi thúc nữ họa sĩ thực hiện triển lãm “Tiếng gọi”..

Bằng hình thức ngôn ngữ biểu hiện trong những dải tranh lụa, với chất liệu màu nước và Acrylic cùng các kích thước: 150cmx50m; 70m; 120m và 40 tác phẩm 3,5m - 4,5mx80cm… là những hình mẫu bà mẹ của trái đất tận hiến nguồn sữa, nguồn dinh dưỡng nuôi vạn vật, từ to lớn tới những sinh linh nhỏ bé trong cõi ta bà.

“Tiếng gọi” - Triển lãm được trưng bày trong lòng một di sản công nghiệp
Gần 2.000 mét tranh lụa của hoạ sĩ Thu Trần đã gây ấn tượng mạnh trong lòng người xem khi ghé qua triển lãm

Triển lãm là tiếng vọng tha thiết rằng "Loài người ơi, chính là chúng ta đây!" hãy thấu hiểu thiên nhiên, hãy nương nhờ thiên nhiên, hãy biết ơn tạo hoá đã ban cho chúng ta từ thiên tạo, để từ đó có sự tương ứng mà tạo nên văn hóa, rồi gìn giữ, lưu truyền.

Bằng một bộ tranh trừu tượng - biểu hiện được khai thác từ văn hoá bản địa xứ Mường và những chất liệu khác được khai thác từ các yếu tố bản địa đã mang đến cho triển lãm một dấu ấn về dòng chảy văn hoá khai mở trong câu chuyện cá nhân của hoạ sĩ.

Với hoạ sĩ Thu Trần, sự kết nối lần này giữa lụa và sắt là một điều đẹp đẽ, phù hợp đến trọn vẹn.

“Tiếng gọi” - Triển lãm tái hiện ánh sáng và cái sắc lạnh của sắt thép công xưởng
Hoạ sĩ Thu Trần (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh cùng mọi người tại triển lãm

Đưa tác phẩm giăng mắc trong không gian nhà máy xe lửa

Có lẽ bất kể người hoạ sĩ nào cũng đem cho mình một hoài bão và ước mơ, với Thu Trần, chị vẫn mơ ước những bức tranh dài mấy chục mét của mình được trưng bày ở một nơi nào đó để có thể khoe trọn vẹn sắc đẹp của lụa.

“Tôi đã thấy người đàn ông Việt to lớn với sức vóc tràn rộng trong khung cảnh nhà máy, những rầm sắt, khung thép, cỗ máy để phục vụ sản xuất ra những toa tàu hoả…Tôi đã ao ước chất liệu lụa Việt được đứng cạnh những người đàn ông cường tráng vạm vỡ ấy. Sức mạnh và sự mềm mại chúng cần đi cùng nhau và hoà quyện vào nhau như giữa âm và dương, nước và lửa, trời và đất”, chị Thu Trần bày tỏ.

Và đến hôm nay tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm chính là nhân duyên, là cơ hội để chị được thực hiện ước mơ của mình.

“Tiếng gọi” - Triển lãm được trưng bày trong lòng một di sản công nghiệp
Tranh của hoạ sĩ Thu Trần được giăng mắc trong khu xưởng cao rộng và phối sáng đẹp tuyệt vời, đúng như ước nguyện của họa sĩ

Trò chuyện cùng hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn (50 tuổi) về những tác phẩm đặc biệt của họa sĩ Thu Trần, anh Tuấn nói: “Từ nhiều năm gần đây, ngôn ngữ thị giác của nữ hoạ sĩ Trần Thị Thu đã xuất hiện như một dòng chảy cuồn cuộn cảm xúc, khoáng hoạt và cháy bỏng, góp mặt tích cực vào đời sống nghệ thuật đương đại. Khoáng hoạt mà vẫn soi chiếu những ý tứ cội nguồn sâu sắc”.

Được biết, nữ hoạ sĩ Thu Trần đã ngược xuôi vào Nam ra Bắc, lên rừng, xuống biển chỉ để mang tình yêu của mình "giăng tơ" lên những cánh rừng, ngọn đồi hay dong khơi ra biển…

Và lần này, người hoạ sĩ ấy đưa tư tưởng hiện sinh vào không gian nhà máy xe lửa, ước lệ về hình ảnh nhà ga, nơi ra đi và trở về của mỗi cuộc hành trình, một vòng tròn không có điểm khởi đầu hay kết thúc.

“Tiếng gọi” - Triển lãm tái hiện ánh sáng và cái sắc lạnh của sắt thép công xưởng
Những bức hoạ trong triển lãm "Tiếng gọi" đã đem đến những trải nghiệm thị giác thú vị và suy ngẫm lắng đọng về nhân sinh cho người tham quan.

“Tiếng gọi” là sự tương tác hội họa cùng ánh sáng và cái sắc lạnh lì lợm của sắt thép công xưởng. Những dải lụa dài liền mạch uốn sóng trập trùng trên độ cao, ngửa mặt lên thấy cuồn cuộn đường nét xô chen, chuyển động trong cấu trúc biểu hiện trừu tượng, bán trừu tượng.

Đây bản trường ca, sử thi đẻ đất, đẻ nước. Kia huyền tích về hình tượng người mẹ thiên nhiên hùng vĩ, nơi khởi sinh và nuôi dưỡng sự sống trên thế gian, chốn thân phận đàn bà đau đớn trong nước mắt sinh tử. Và nếu có khóc cũng khóc một cách lộng lẫy, huy hoàng.

“Tiếng gọi” - Triển lãm được trưng bày trong lòng một di sản công nghiệp
Lấy cảm hứng từ hình mẫu bà mẹ Trái đất, triển lãm mở ra không gian của những tiếng vọng từ cõi hỗn mang của những Mẫu thần luôn cứu vớt con người qua mọi hành trình từ thuở khai thiên lập địa.

Thu Trần gạn lọc, chắt chiu từng giọt màu trầm ấm, mộc mạc, mang sắc nhị nguyên thủy từ đá non, sa khoáng, củ nâu…để bồi đắp trên từng lớp lang.

Chị bộc bạch, như thế mới cảm thấy màu nó “vào” nhau, tăng thêm biểu cảm và chiều sâu, gọi ra được tinh thần đất mẹ gần gũi, ân tình. Trên cái nền ấy, đôi khi bỏ ngỏ nét vẽ, vương vấn những dấu vết mơ hồ dan díu, bối rối đến hoài nghi.

Chắc chắn phải là một tình yêu bền chặt, một cảm xúc nghệ thuật có thực, một tư tưởng nhân văn hiện sinh rõ ràng và mạch lạc, mê say và quyết liệt, tự tin và đàng hoàng, chứ không thể xem là cuộc dạo gót trăng hoa nhất thời.

“Tiếng gọi” là thành công của Thu Trần sau những âm hưởng của “giăng tơ” từ nhiều năm trước.

“Tôi thấy một tinh thần nghệ sỹ chân thành, không giấu giếm hay che đậy nỗi niềm riêng tư mà chia sẻ thương yêu và biết nương náu vào cội nguồn. Tôi nghĩ, Thu Trần đã đặt ra được cái thuật sáng tạo của riêng mình… một “tạng” bản năng trời phú về tính tự do ứng tác cùng khát vọng chinh phục", hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn nói.

“Tiếng gọi” - Triển lãm được trưng bày trong lòng một di sản công nghiệp
Tiếng gọi” là triển lãm truy tìm về Nguồn cội, về tính nữ vĩnh cửu của Mẹ Thiên nhiên thông qua các tác phẩm trên chất liệu lụa và tổng hợp theo trường phái ấn tượng - biểu hiện.

Chia sẻ thêm với phóng viên, hoạ sĩ Thu Trần thông tin, triển lãm “Tiếng gọi” được nằm trong lòng một nhà máy cơ khí, quá trình hoài thai và đến khi thực hiện quả là một quãng thời gian không ít, đến hôm nay đủ chín để được trưng bày.

Tác phẩm như một thông điệp nhắc nhở người hoạ sĩ chia sẻ đến với mọi người hãy trân trọng thiên nhiên, trân trọng cội nguồn của chúng ta.

Hoạ sĩ Thu Trần kể, trong những ngày diễn ra triển lãm, khi các lớp mầm non đi từng hàng vào thăm phân xưởng, có một cậu bé hỏi chị như thế này: “Bà ơi, sao bà làm được nhiều thế, con cũng muốn sau này làm hoạ sĩ”. Với người hoạ sĩ, đó là một hạnh phúc ngoài sự tưởng tượng.

Trong khoảnh khắc ngồi lại bên nhau, chị Thu Trần và đồng nghiệp ao ước nơi đây được giữ lại thành di sản công nghiệp, được cùng nhà máy vừa sản xuất và cùng bảo tồn, thành phố di sản công nghiệp văn hoá và nghệ thuật đương đại cùng phát triển đồng hành.

Có vậy, trẻ em mới có chỗ để nhìn vào và ước mơ, giới trẻ có chỗ để hoạt động, nghệ sĩ có nơi để toả sáng, lợi trăm bề từ cộng đồng nâng cao nhận thức, nghệ thuật phát triển xã hội cũng phát triển, một ước ao!

Quỳnh Giang
Phiên bản di động