Thủy sản cũng lao đao trong vòng xoáy corona
Thủ tướng ra công điện gỡ khó xuất nhập khẩu qua biên giới vì corona Kinh tế Việt Nam trong vòng xoáy virus corona |
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Trung Quốc đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam, chiếm tới 98% tổng giá trị xuất khẩu.
Kể từ đầu tháng 1/2020 đến nay, diễn biến bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra diễn biến phức tạp và đang lây lan nhanh tại Trung Quốc tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, việc hạn chế xuất nhập khẩu với Trung Quốc của Chính phủ Trung Quốc đã khiến cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang bị chậm trễ, khiến cho chi phí sản xuất kinh doanh tăng do phải tăng lưu kho, tồn kho.
Theo Vasep, dịch bệnh corona có thể gây khó khăn về nguyên liệu cá ngừ. |
Không những vậy, việc này có dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu cá ngừ. Với gần 300 tàu đang hoạt động, Trung Quốc đang là nước có đội tàu lớn nhất thế giới, đồng thời thời là 1 trong 5 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường thế giới.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho Việt Nam, chiếm 7% tổng nhập khẩu cá ngừ năm 2019. Mặc dù cuối năm 2019 giá cá ngừ nguyên liệu ở mức thấp nên doanh nghiệp đã chủ động nhập dự trữ cá ngừ nguyên liệu nhưng với tình hình như hiện nay về lâu dài các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá ngừ có thể sẽ bị thiếu nguyên liệu.
Ngoài ra, dịch bệnh do virus corona bùng phát cũng khiến cho việc vận chuyển quốc tế ra các thị trường quốc tế bị xáo trộn. Các hãng tàu không nhận các đơn hàng các ngừ chuyển tải qua Trung Quốc, một số hãng ngừng cung cấp container đến Trung Quốc. Một số thị trường lớn như Nhật Bản yêu cầu không đưa hàng sang Trung Quốc trước khi sang nước họ. Điều này đã khiến doanh nghiệp phải tìm kiếm các nhà vận tải thay thế khác, các tuyến vận tải khác, kết quả là chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng làm giảm khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, không chỉ tại Trung Quốc hay Việt Nam, dịch bệnh viêm phổi do virus corona đang tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại toàn cầu. Hoạt động giao dịch bị hạn chế khiến cho hoạt động thương mại hàng hóa nói chung, và cá ngừ nói riêng trong ngắn hạn và trung hạn sẽ bị chậm lại.
Nhưng ngoài những rủi ro nói trên, Vasep cho rằng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam. Do dịch bệnh nên các nước có xu hướng ngừng hoặc hạn chế thu mua cá ngừ từ Trung Quốc, và chuyển sang tìm nguồn cung cấp mới trong đó có Việt Nam, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU...
Trong khi đó, đối với mặt hàng cá tra, theo Vasep kể từ tháng 1/2020, sau khi dịch viêm hô hấp cấp lây lan, nhiều chuỗi Fast food (ăn nhanh) hay Take away (đồ uống), nhà hàng ẩm thực đã tạm đóng cửa, chợ biên giới cũng mở chậm. Starbucks đã tuyên bố đóng của hơn 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc và Yum China - “Một tên tuổi lớn” đang sở hữu các thương hiệu Pizza Hut, KFC và Taco Bell tại Trung Quốc với 9.200 nhà hàng cũng ngưng bán hơn 30% vì lo lắng sự lây lan của virus corona.
Hoạt động trao đổi, thương mại giữa hai bên đang gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn. Theo Alphaliner, lượng tàu thông qua các cảng lớn của Trung Quốc đã giảm 20% (kể từ ngày 20/01/20210), nhiều hãng vận tải biển hay tàu sân bay cũng đã hủy chuyến tới Trung Quốc. Sự gián đoạn vận chuyển đường biến đang gây gáp lực lớn đối với các hãng tàu biển trên thế giới khi họ phải vật lộn ở các thị trường yếu hơn, chi phí cao hơn từ những quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về nguyên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Kỳ nghỉ Tết nguyên đán của các nhà máy chế biến cũng kéo dài đến hết ngày 9/2/2020, nhiều công ty đang lo sợ vì thiếu công nhân khi họ mở cửa trở lại, hệ thống giao dịch ngân hàng cũng bị tạm ngưng, nhiều khách hàng Trung Quốc cũng không thể sang Việt Nam theo lịch trình. Không chỉ hoạt động giao thương cá tra Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Đơn hàng bị chậm trễ hoặc không kí thêm được hợp đồng mới, mọi hoạt động thương mại đang bị tạm dừng, sản lượng cá tra nguyên liệu quá cỡ tăng khiến nhiều doanh nghiệp đang phải gấp rút thu hoạch, chế biến. Hiện nay, một số nhà máy chế biến cá tra tại Đồng bằng Sông Cửu Long cho công nhân tạm nghỉ việc để tránh lây lan dịch bệnh hoặc nghỉ luân phiên do đơn hàng giảm đầu năm.
Hiện nay, diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn đang hoạt động với hàng ngàn công nhân mỗi nhà máy. Điều đáng lưu tâm hơn, trong hơn 125 đơn vị chế biến, xuất khẩu cá tra đang có không ít doanh nghiệp Trung Quốc hoặc chi nhánh công ty Trung Quốc đang kinh doanh tại các địa phương này. Do đó, việc các doanh nghiệp cá tra chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Không chỉ tại Trung Quốc hay Việt Nam, dịch bệnh viêm phổi do virus corona đang tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại toàn cầu. Do đó, các chuyên gia đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi tiêu cực trong ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên, Vasep cho rằng, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh và phát triển hơn kênh bán hàng, tiêu thụ nội địa. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá tra đông lạnh tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh mẽ do thời gian giao thương ngưng dài, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này còn rất lớn.
Còn đối với mặt hàng tôm, theo phản ánh của một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, các đơn hàng tạm thời chưa thể thực hiện do nhà nhập khẩu thông báo lùi thời gian giao hàng nên chi phí lưu kho của doanh nghiệp tăng.
Cũng theo phản ánh của một doanh nghiệp tôm, các đơn vị này đã ký đơn hàng xuất khẩu hơn 600 tấn tôm cho khách hàng Trung Quốc nhưng mới chỉ giao được một nửa trước Tết, số còn lại hiện phải lưu kho.
Trên thị trường thế giới, giá tôm thời gian tới sẽ giảm vì nguồn cung tăng mạnh. Hàng của các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan cũng đang ùn ở cảng Trung Quốc mà chưa được thông quan. Nhiều tàu biển hiện không thể cập cảng ở Trung Quốc do việc đóng và bốc dỡ hàng hóa diễn ra chậm hoặc không hoạt động. Các nước này cũng sốt sắng tìm thị trường thay thế như Mỹ, EU nên việc này cũng ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo Vasep, phía sau những tác động của dịch corona từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và giao thương với Trung Quốc, thì doanh nghiệp tôm Việt Nam cũng có thể có cơ hội giành thị phần lớn hơn tại các thị trường truyền thống của các nhà cung cấp tôm Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, EU khi nhiều nhà nhập khẩu đang tạm ngừng đơn hàng từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình dịch corona diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chờ đợi thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại, Vasep cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới và phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất một cách kịp thời.