Thuận vợ thuận chồng – thúng chai rong ra biển
Rước dâu bằng thuyền thúng trong ngày ngập lụt gây sốt mạng xã hội Độc đáo con đường thuyền thúng ở Tam Thanh, Quảng Nam |
Đối với người dân miền biển, thúng chai là sản phẩm rất thông dụng, dùng để di chuyển một quãng ngắn trên biển, để câu mực, câu tôm hay đưa hàng hóa từ bờ ra thuyền lớn.
Chiếc thúng chai luôn gắn bó mật thiết với ngư dân, được ví như những chiếc ca nô, thuyền cao su, thuyền cứu hộ và nếu thiếu thúng chai thì tàu cá không thể rời bến đi đánh bắt.
Ở Phú Mỹ, nghề làm thúng chai được xem là một nghề truyền thống của cha ông truyền lại.
Vợ chồng anh Trung - chị Kiều duy trì nghề làm thuyền thúng chai |
Anh Trương Văn Trung, một người dân thôn Phú Mỹ, gắn bó với nghề làm thúng chai hơn 15 năm chia sẻ, để làm được một chiếc thúng chai giao đến tận tay khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn.
Trước hết, người thợ chặt tre phải chọn loại tre mỡ già, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 đến 5 nắng.
Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền càng tăng cao. Đan xong rồi lận vành, dùng dây cước nức vành. Công đoạn tiếp theo là trét kín các kẽ nan, phơi khô, sau đó quét dầu rái để chống thấm.
Trong các công đoạn làm thúng, thì lận vành là khâu quan trọng nhất. Thao tác này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ năng, thẩm mỹ mới thành công, vì một chiếc thúng rất to, khó có thể lận cho vành được tròn đều.
Công đoạn lận là khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy người thợ làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng và thẩm mỹ |
Mỗi chiếc thúng chai có bán kính 1,6 – 2m với giá 1,7 – 2,4 triệu đồng/chiếc.
Cái khó hiện nay là, người dân không đủ vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, vẫn phải làm thủ công nên để làm ra một chiếc thúng tốn nhiều thời gian
Chiếc thúng chai có kích thước lớn |
Được biết, trước kia ở làng có khoảng 40 hộ làm nghề đan thúng chai, với hơn 120 lao động. Tuy nhiên, hiện nay làng chỉ còn 2 hộ, trong đó có hộ vợ chồng anh chị Trung - Kiều chủ yếu để duy trì nghề và làm để phục vụ khách tham quan du lịch.
Những chiếc thúng chai được làm tỉ mỉ |
Chị Kiều, vợ anh Trung cho hay, trung bình mỗi tháng làm được khoảng 70 chiếc, sau do ảnh hưởng của Covid-19 nên chỉ được khoảng 30 chiếc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khách du lịch cũng ít hơn. Nhưng hiện nay du khách đã bắt đầu trở lại làng.