Thủ tướng yêu cầu “5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá” trong chính sách tiền tệ

Nêu định hướng chỉ đạo, điều hành trong chính sách tiền tệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát bằng 3 cụm từ: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".
Nhiều "ông lớn" bất động sản được mời họp gỡ khó chính sách tiền tệ Cử tri phản ánh chính sách tiền tệ gây khó cho doanh nghiệp

Sáng 14/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Mục tiêu tổng quát đã được đề ra trong kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Đồng thời chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Một số mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 4,0 - 4,5%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%; tăng trưởng tín dụng đạt 15%.

Nêu định hướng chỉ đạo, điều hành trong chính sách tiền tệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát bằng 3 cụm từ: "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".

Thủ tướng yêu cầu “5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá” trong chính sách tiền tệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị.

Cụ thể, "5 tăng" gồm: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

"5 giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…

"5 tăng tốc, bứt phá" gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Quan điểm chỉ đạo điều hành là bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động; phải kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; không điều hành "giật cục".

Không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng "xoay chuyển tình thế", "chuyển đổi trạng thái". Giữ vững đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng với tinh thần: đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước teo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, gắn với bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất…

Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn trong toàn hệ thống của từng ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng Nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và cùng thắng.

Các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Thủ tướng lưu ý thêm, rút kinh nghiệm từ các gói tín dụng ưu tiên đã làm tốt và chưa tốt, tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp; rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách...

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng thông qua khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.

Đối với các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ. Rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả Đề án xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội...

Hậu Lộc
Phiên bản di động