Cử tri phản ánh chính sách tiền tệ gây khó cho doanh nghiệp

Cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nhất quán và ổn định hơn giúp các doanh nghiệp yên tâm, chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh...
Thủ tướng: Không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ Sẽ kiểm tra đột xuất việc chấp hành chính sách tiền tệ, ngân hàng

Kiến nghị chính sách tiền tệ linh hoạt, nhất quán hơn

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến.

Theo phản ánh của cử tri, thời gian qua, việc điều hành chính sách tiền tệ có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Cụ thể, cuối năm 2022 việc vay vốn gặp rất nhiều khó khăn do các ngân hàng thương mại có chủ trương thu tiền về gấp, không cho doanh nghiệp được đáo hạn; hiện nay các ngân hàng thương mại dư thừa tiền để cho vay nhưng nhiều doanh nghiệp không còn nhu cầu nữa.

Do đó, cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nhất quán và ổn định hơn giúp các doanh nghiệp yên tâm, chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các công cụ chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để hướng đến mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế phù hợp.

Tuy nhiên, với đặc điểm là một nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn, kinh tế Việt Nam dễ chịu tác động từ những biến động bất thường trên thị trường thế giới, công tác điều hành chính sách tiền tệ về lãi suất, tỷ giá trong nước chịu áp lực từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ tại các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới.

Cử tri phản ánh chính sách tiền tệ gây khó cho doanh nghiệp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nâng cao tính linh hoạt trong điều hành, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.

Chính sách tiền tệ phải phù hợp với diễn biến kinh tế

Theo Thống đốc, trong thời điểm cuối năm 2022, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu neo ở mức cao, đồng USD tăng giá mạnh, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát, sự cố Ngân hàng Sài Gòn (SCB) gây áp lực lớn đến thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành 0,8 - 2%/năm trong tháng 9 và 10/2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

"Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống", Thống đốc đánh giá.

Cử tri phản ánh chính sách tiền tệ gây khó cho doanh nghiệp
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước.

Trong các tháng đầu năm 2023, khi điều kiện thị trường cho phép và để hướng đến mục tiêu hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Thống đốc cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện phù hợp theo diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới, luôn nhất quán với mục tiêu chính sách tiền tệ theo luật định, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Qua đó duy trì niềm tin của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho từng năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trong năm 2023, trên cơ sở tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước định kỳ rà soát và linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo ổn định an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đến ngày 31/12/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022.

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra kế hoạch định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng từ đầu năm và tiến hành thông báo nguyên tắc tính toán chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tổ chức tín dụng tự xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của mình.

Hậu Lộc
Phiên bản di động