Thu gom phế liệu, gieo mầm hi vọng

Khẩu trang hai lớp chen gần hết khuôn mặt, mũ vải chụp quá tai, khoác lên người chiếc áo màu xanh bộ đội xù xì … khiến chị Vũ Thị Sáp (SN 1964, xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) nom thô ráp như một chị thu gom phế liệu chính hiệu. Thế nhưng, từ công việc bụi bặm và mệt nhọc đó, người hội trưởng hội phụ nữ cùng với các chị em khác đã lượm lặt, chắc lọc được kinh phí để giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống tốt hơn, tròn vẹn hơn.
Hi vọng tiếp lửa để di sản không lụi tàn

Theo chân “cô Sáp phế liệu”

Trước khi tìm đến thôn Trung Hậu Đông (xã Tiền Phong), người viết đã biết chị Vũ Thị Sáp kinh doanh một sạp quần áo nhỏ ở chợ Yên. Vì thế, chúng tôi chắc mẩm sẽ gặp được người phụ nữ được gọi vui là “cô Sáp phế liệu” tại cửa hàng. Đáng tiếc, tính toán của chúng tôi hẳn là sai lầm: Mặc cho khách người ra kẻ vào, cửa hàng hoàn toàn vắng bóng chủ. Việc buôn bán nhờ cả vào sự hỗ trợ các tiểu thương ở cửa hàng lân cận và sự tự giác của khách hàng.

Chị Vũ Thị Sáp thu gom hàng tấn phế liệu để tạo kinh phí giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn
Chị Vũ Thị Sáp thu gom hàng tấn phế liệu để tạo kinh phí giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn

“Bà ấy còn đang bận đi nhặt rác” – người phụ nữ trung niên buôn bán hoa quả gần đó nhanh nhảu giải đáp sự thắc mắc của chúng tôi. Bà này chép miệng cười cười: “Người bình thường thì lo buôn bán kiếm tiền, bà Sáp suốt ngày lo kiếm phế liệu để gây quỹ, tặng quà cho người khác. Đúng là độc lạ!”.

Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các tiểu thương, người viết đã tìm được đến nơi bà Sáp và mấy chị em trong hội phụ nữ thôn Trung Hậu Đông đang “làm việc”. Đó là công trường xây dựng nhà cao tầng mù mịt bụi đất, nồng nặc mùi xăng dầu từ máy xúc và inh ỏi tiếng ồn. Hoà cùng với thời tiết lạnh lẽo se sắt những ngày cuối đông, có thể thấy rõ rằng đây là môi trường “làm việc” không hề lý tưởng.

Thu gom phế liệu, gieo mầm hi vọng
Bất chấp điều kiện về thời tiết, hay sự bụi bặm mệt nhọc, chị Sáp bỏ bê công việc gia đình để "gieo hi vọng từ phế liệu"

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chị Sáp, ánh mắt rạng rỡ của chị lại khiến chúng tôi có cảm giác chị đang đứng trước cánh đồng lúa bội thu. “Hôm nay sẽ thu được nhiều vỏ xi lắm đấy” – chị hào hứng khoe. Giọng nói vui vẻ của chị len theo tiếng thở hổn hển sau lớp khẩu trang dầy dặn.

Dù đã gặp trực tiếp chị Sáp, thú thật là chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy diện mạo của chị. Gương mặt chị Sáp giấu kỹ sau hai lớp khẩu trang, đầu trùm mũ vải, mặc áo xanh đã bạc màu, găng tay bằng vải thô thủng lỗ chỗ. Duy nhất “giao tiếp” với chúng tôi là đôi mắt hơi nhăn nheo nhưng lúc nào cũng như cười hấp háy.

“Bụi xi măng độc lắm! Hôm nào quên không mang khẩu trang cẩn thận là tối đến, mấy chị em lại ho như cuốc kêu” – chị Sáp phân trần.

Trong lúc nói chuyện, tay chị Sáp không ngừng nghỉ. Cùng với các chị Hương, chị Hạnh, chị Thuỷ, chị Tần thu gom các loại phế liệu trên công trường, bao gồm vỏ bao xi măng, giấy bồi, vài mẩu sắt, các chị bó lại cẩn trọng, sau đó, tập kết đưa về nhà văn hoá thôn. “Mười vỏ xi bán được 3 nghìn. Năm chị làm cật lực trong một buổi cũng thu được khoảng 500 – 700 vỏ. Vậy là cả buổi, năm chị kiếm được từ 150 nghìn đến 200 nghìn. Tuy đồng tiền không nhiều, song, các chị đều rất vui sướng” – chị Sáp tỉ mỉ kể.

Theo lời kể của chị Sáp, các chị trong hội phụ nữ thôn Trung Hậu Đông bắt đầu xây dựng “Điểm nhân ái” bằng hình thức thu gom phế liệu từ khoảng giữa năm 2020. Xuất phát từ lời kêu gọi của Hội phụ nữ huyện Mê Linh, chị Sáp đã vận động chị em trong thôn bắt tay thu gom phế liệu nhằm tạo kinh phí với mong muốn “làm gì đó cho những mảnh đời khó khăn hơn mình”.

“Ban đầu, ai cũng bảo tôi hâm” – chị Sáp rổn rảng nói – “Nhưng mà, đến bây giờ, các chị em trong chi hội đều “hâm” theo tôi. Cứ có thời gian là mấy chị em lại rủ nhau đi thu gom phế liệu. Thậm chí, chị em đi du lịch cùng gia đình cũng gom góp phế liệu vào vali, đem về. Bởi vì chúng tôi nhìn thấy hiệu quả rõ rệt từ việc làm nhỏ bé của mình”.

Rác "nở hoa"

Theo nhẩm tính của chị Sáp, tới nay, các chị đã thu gom trên 20 tấn phế liệu, tích góp được trên 62 triệu đồng. Từ chỗ chỉ mấy chị em trong chi hội phụ nữ tham gia “Điểm nhân ái”, bây giờ việc thu gom phế liệu trở thành phong trào ở thôn Trung Hậu Đông. Cách vài ba ngày, các hội viên phụ nữ lại tập trung các loại phế liệu ở ngã tư thôn Trung Hậu Đông để phân loại cẩn thận, đóng gói và bán cho đại lý thu mua.

Số tiền thu được từ hoạt động này sẽ công khai qua hệ thống loa truyền thanh để mọi người trong thôn cùng biết được. Từ đó, nguồn kinh phí này được dành ủng hộ quỹ hỗ trợ các chị em phụ nữ đơn thân, các chị em có hoàn cảnh ngặt nghèo, những cháu nhỏ thiếu thốn ở địa phương.

Thu gom phế liệu, gieo mầm hi vọng
Hoạt động thu gom phế liệu để xây dựng "Điểm nhân ái" trở thành phong trào đáng tuyên dương tại thôn Trung Hậu Đông

“Các chị gặp nhiều hoàn cảnh quá khó khăn, quá khổ. Sống trên đời, ai cũng muốn giàu có, muốn sungsướng, nhưng người ta gặp những khó khăn, không may. Các chị không mang được cho người ta tiền của, thì mang cái tình cảm cho mọi người” – chị Sáp chia sẻ.

Được biết, mấy năm qua, từ mô hình thu gom phế liệu và vận động nguồn xã hội hóa, Chi hội Phụ nữ thôn Trung Hậu Đông đã thu được 62 triệu đồng, tổ chức trích kinh phí tặng 20 suất quà cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thôn với kinh phí 20 triệu đồng.

Những hoàn cảnh khó khăn đã được quan tâm giup đỡ như vháu Lê Quốc Việt - bà và mẹ đều bị ung thư mất sớm, ông nội bị bệnh tim, bố cháu sức khỏe yếu nhưng vẫn phải gắng gượng đi làm thuê để nuôi hai ông cháu; cháu Phạm Thị Anh - sinh ra đã không biết mặt bố, chưa tròn một tuổi thì mẹ cháu bỏ nhà ra đi, hiện tại cháu ở với ông bà nội, nhưng ông nội cháu bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ, một mình bà tuổi cao sức yếu vẫn phải đi làm thuê để nuôi cả gia đình.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí từ hoạt động thu gom phế liệu
Nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ từ nguồn kinh phí từ hoạt động thu gom phế liệu

Từ hiệu quả của mô hình, đến nay có 8/8 chi hội thuộc địa bàn xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) triển khai mô hình "Điểm nhân ái". Hội LHPN xã Tiền Phong và các chi hội đã tặng 119 suất quà, 8 xe đạp, nhận đỡ đầu 1 trẻ em mồ côi với tổng trị giá 56.250.000 đồng. Số tiền còn lại các chi hội vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn xã.

Chị Lê Ngọc Ánh - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tiền Phong nhận xét, chị Vũ Thị Sáp cùng tập thể Chi hội Phụ nữ thôn Trung Hậu Đông đã làm lan tỏa được những hành động đẹp vì cộng đồng đến tất cả cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn thôn Trung Hậu Đông và toàn xã. Những việc làm ý nghĩa đó vẫn đang tiếp tục được duy trì, được lan tỏa và được ghi nhận, đánh giá rất cao. Cá nhân chị Sáp luôn được chị em trong chi hội yêu thương và quý trọng.

Cùng chung nhận định, đồng chí Nguyễn Ngọc Liêm - Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong bày tỏ, nhờ có những con người không quản ngại mưa nắng, sớm tối, hy sinh thời gian của bản thân để vì cộng đồng như chị Sáp là những nhân tố điển hình góp phần gieo nguồn hy vọng, nuôi dưỡng tương lai cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tiền Phong

Vũ Cường
Phiên bản di động