Thủ đoạn tinh vi, ‘siêu lừa’ 26 vụ lấy hơn 400 tỷ từ ngân hàng
Bắt nhóm dùng thẻ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng Cảnh báo lừa đảo giao dịch ngân hàng dịp Tết Thủ tướng mong các ngân hàng không nhằm ‘lợi nhuận kếch xù’ trong khó khăn chung |
Chân dung kẻ siêu lừa
Cáo trạng cho biết, trong khoảng thời gian từ 2016-2018, Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ngụ Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã cấu kết với một số cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng (PVcomBank).
Thủ đoạn chính là Thành đặt vấn đề vay tiền làm ăn với các đối tượng thông qua quan hệ xã hội bằng hình thức hướng dẫn người có tiền gửi tiền vào các ngân hàng mà Thành có quan hệ với các nhân viên biến chất. Sau đó, người gửi tiền giao sổ tiết kiệm cho Thành cầm và nhận lãi suất cho vay ngoài với mức cao.
Tiếp theo, Thành dùng các pháp nhân doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Để có tài sản đảm bảo, Thành và đồng phạm đã giả mạo chữ ký của các nạn nhân, lập giả các giấy tờ có công chứng để hoàn thiện thủ tục vay vốn bằng các tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm mượn của người khác và rút tiền từ ngân hàng.
Để làm được việc này, Thành đã xây dựng cho mình hình ảnh khách hàng VIP của các ngân hàng, có quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ các ngân hàng. Đồng thời ngoài xã hội, Thành cũng thể hiện là người làm ăn có tiền, đại gia uy tín.
Tuy nhiên, thực chất, Thành đã làm ăn thua lỗ phải vay tiền lãi suất cao, lấy người sau trả cho người trước nên tạo được mối làm ăn với nhân viên ngân hàng biến chất và lòng tin để vay tiền của người có tiền và ham lãi cao trong xã hội. Từ đó lấy pháp nhân các DN, xây dựng "kịch bản" làm ăn đang cần chứng minh tài chính để đầu tư và sẽ trả lãi ngoài cho chủ sổ tiết kiệm.
Các chủ sổ có niềm tin và ham lãi đã giao sổ cho Thành, Thành làm giả hồ sơ, cầm cố sổ tiết kiệm để rút tiền từ ngân hàng.
Cảnh báo việc cho vay tiền qua sổ tiết kiệm
Năm 2018, qua làm ăn, Thành biết ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ Tạ Thị Thu Trang đang có khoản tiền 52 tỷ đồng. Để vay vốn vợ chồng Toàn, Thành đề nghị vay tiền bằng hình thức gửi 52 tỷ vào ngân hàng do Thành quen biết và hướng dẫn là PvcomBank, sau đó đưa sổ tiết kiệm cho mình và nhận lãi ngoài.
Ông Toàn đã gửi số tiền vào ngân hàng chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỷ mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỷ mang tên vợ, rồi đưa cả 3 sổ cho Thành giữ và nhận lãi tiền mặt 4,2%/tháng, tương đương khoảng 50,4%/năm.
Thành và đồng bọn đã làm giả hồ sơ thông qua pháp nhân các DN là Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn bà Trang gửi tại ngân hàng này và đã giao cho Thành.
Các nhân viên ngân hàng khi tiếp nhận hồ sơ đã tin Thành là khách vip nên thiếu trách nhiệm, giao hồ sơ cho Thành tự đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp 3 sổ tiết kiệm. Từ sơ hở này, Thành đã giả chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền PVcomBank.
Khi phê duyệt hồ sơ, Đỗ Minh Đức người được uỷ quyền của Giám đốc Trung tâm phát triển khách hàng miền Bắc - PVB phê duyệt đã được cấp dưới báo cáo việc không gặp trực tiếp vợ chồng ông Toàn mà nhờ Thành cầm đưa ký hộ song Đức chủ quan, chỉ kiểm tra lại trên máy tính và vẫn ký duyệt cấp tín dụng 49,4 tỷ đồng.
Số tiền 49 tỷ được giải ngân và Thành lấy chi tiêu.
Cáo trạng cho thấy, trong các vụ lừa đảo của Thành có việc nhân viên của các ngân hàng có người thiếu trách nhiệm, sai sót quy trình và thậm chí có người giúp sức cho Thành thực hiện hành vi lừa đảo.
Trong vụ lừa liên quan đến VAB, bị can Nguyễn Thị Thu Hương - chuyên viên quan hệ khách hàng phòng khách hàng doanh nghiệp VAB - Phó Giám đốc Đông Đô khi biết Thành giả chữ ký các đồng sở hữu sổ tiết kiệm để vay tiền nhưng vẫn có hành vi che giấu, lập giấy đề nghị phong tỏa tài sản đảm bảo đưa cho khách hàng để họ tin tiền của mình đã được ngân hàng phong tỏa. Do đó khi sổ tiết kiệm bị mang đi thế chấp hoặc tiền trong sổ bị rút ra, khách hàng đều không biết.
Vợ chồng Toàn và Trang cũng được xác định có liên đới đến 2 trong số 26 vụ việc do nhóm Thành và Tùng gây ra, với tổng giá trị 122 tỷ đồng, được chia thành 6 sổ tiết kiệm gửi tại 3 ngân hàng khác nhau.
Số tiền hưởng lãi ngoài với mức 4,2%/tháng được Tùng trả vợ chồng ông Toàn ngay khi cầm sổ tiết kiệm, với thỏa thuận, sau khi hết thời hạn cầm cố, tiền gốc sẽ trả lại cho ông Toàn, số tiền dư từ thu lãi suất do ngân hàng trả sẽ được chuyển cho Tùng. Sự việc vỡ lở và ông Toàn chỉ báo cho Ngân hàng khi hợp đồng vay vốn của nhóm Thành, Tùng hết hạn và không có khả năng trả tiền
Hiện nay, ông Toàn đang yêu cầu 3 ngân hàng liên quan phải trả cho ông Toàn số tiền ông Toàn, bà Trang đang gửi vào sổ tiết kiệm cho Thành giữ tổng số là 122 tỷ đồng.
Về việc giải tỏa 3 sổ tiết kiệm theo yêu cầu của ông Toàn và bà Trang, phía ngân hàng PVcomBank cho biết, do vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và ngân hàng chỉ có cơ sở giải quyết theo Bản án có hiệu lực pháp luật. Khi đó, PVcomBank sẽ xử lý theo đúng phán quyết tại Bản án có hiệu lực.
Theo cáo trạng, Ngân hàng VAB tố giác ông Đặng Nghĩa Toàn và một số khách hàng biết rõ Nguyễn Thị Hà Thành sử dụng sổ tiết kiệm của mình thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Viện kiểm sát cho rằng tài liệu điều tra không đủ căn cứ kết luận việc ông Toàn đồng phạm với Thành cầm cố sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tiền của VAB cũng như NCB và PVcomBank. Tuy nhiên, theo cáo trạng cho hay quá trình điều tra đủ căn cứ kết luận vợ chồng ông Toàn cho Thành vay tiền với lãi suất 4,2%/tháng, song cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Toàn về hành vi cho vay nặng lãi.
Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định pháp luật. Trong vụ này, các cá nhân nạn nhân thiệt hại, các ngân hàng bị mất số tiền lớn và qua đó cảnh báo thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo; hành vi các nhân viên ngân hàng biến chất cũng như việc cho vay bằng cách đưa sổ tiết kiệm hàng chục tỷ cho người khác cầm và nhận lãi cao hàng tháng. Đồng thời, cảnh báo các ngân hàng trong việc kiểm soát quy trình an toàn, trách nhiệm đảm bảo an toàn tài sản ngân hàng và người gửi tiền.