Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết luận các giải pháp tín dụng cho bất động sản

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các dự án khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng trả nợ vay đầy đủ...
Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có mối quan hệ cộng sinh, cùng trên con thuyền Các ngân hàng vẫn cấp tín dụng cho bất động sản với mức tăng trưởng cao, dư nợ lớn

Theo đó, nhằm thực hiện các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, có khả năng trả nợ; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.

Đồng thời, các nhà băng cũng được yêu cầu tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Thực hiện các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng bất động sản tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án bất động sản đang cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kịp thời có giải pháp tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản hoạt động tốt, các dự án phát triển khu công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn tạm thời.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết luận các giải pháp tín dụng cho bất động sản
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vừa chủ trì Hội nghị về tín dụng bất động sản.

Đối với các dự án hiện đang vướng mắc về thủ tục pháp lý không thuộc lĩnh vực ngân hàng thì đề nghị khách hàng chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Đồng thời, đảm bảo thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, nhất là đối với các doanh nghiệp có trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn thanh toán, thực hiện đầu tư trái phiếu doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giao các đơn vị liên quan tổng hợp rà soát đầy đủ, khẩn trương tham mưu cho Ban Lãnh đạo giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực mực bất động sản và các lĩnh vực khác. Đối với những kiến nghị, đề xuất liên quan đến ngành ngân hàng, đề nghị các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý.

Thống đốc cũng yêu cầu tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh để có báo cáo, tham mưu Thống đốc các cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với diễn biến trên tình hình thị trường bất động sản, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu thường xuyên giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng có mức độ tập trung tín dụng cao vào bất động sản có tính chất đầu cơ. Kiểm soát chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng cho vay dồn vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau của mình.

Đối với các doanh nghiệp vay vốn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung, nếu kinh tế vĩ mô bất ổn định, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Khi kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro, chắc chắn các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ phải điều chỉnh, trong một số trường hợp sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Ở các nước, doanh nghiệp thường có bộ phận thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá, tổng hợp, dự báo tình hình để chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để không bị động. Ở Việt Nam, có trường hợp doanh nghiệp triển khai đồng thời trên 50 dự án cùng lúc, rất dàn trải nên khi khó khăn sẽ rất khó xử lý.

Theo Thống đốc, trong hoạt động kinh doanh, triển khai các dự án, doanh nghiệp phải chú trọng việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát, theo dõi dòng chu chuyển tiền tệ để có giải pháp chủ động không để lâm vào tình trạng bị động, tắc nghẽn dòng tiền ( tại Hội nghị cũng có ý kiến cho rằng có doanh nghiệp nhiều dự án, nhiều tài sản có giá trị lớn nhưng để chuyển hóa ra tiền cần thời gian, phụ thuộc vào người mua, thủ tục...). Đây là điểm rất quan trọng mà doanh nghiệp nào cũng cần phải hết sức lưu ý.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng đề nghị doanh nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại, quản trị lại doanh nghiệp, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm để có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng. Nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn từ các nguồn vốn khác, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động