Thống đốc: Chưa thể xóa bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng
Phó Thủ tướng: Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng Hơn 980 nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng rót vào bất động sản |
Sáng 6/11, chấn vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về nhiệm vụ điều hành tín dụng, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay chỉ đạt 5,91%.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân và các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra.
Cũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, Nghị quyết 62/2022/QH15 có nêu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Do đó, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết lộ trình thực hiện thực tế như thế nào?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. |
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút, người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều biện pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về việc tiến tới xóa bỏ điều hành tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là một trong những giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với các công cụ chính sách khác.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.
"Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng", bà Hồng nói.