Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát chênh lệch giá vàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Giá vàng đã ở vùng quá mua, có thể sẽ điều chỉnh giảm mạnh Giá vàng SJC có thể dao động từ 80-90 triệu đồng/lượng

Thời gian qua, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, cử tri nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP HCM, Bình Thuận, Hưng Yên, Quảng Nam, Tây Ninh, Thái Bình... cùng gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước đề xuất nhiều giải pháp ổn định thị trường vàng.

Cử tri cho rằng hiện nay giá vàng tăng cao gây hoang mang cho doanh nghiệp và người dân khi đầu tư vốn sản xuất kinh doanh làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình kinh tế; kiến nghị sớm có giải pháp để ổn định thị trường giúp doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và kinh doanh an tâm đầu tư, tạo việc làm cho người lao động.

Trả lời kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, lập đỉnh lịch sử vào ngày 20/5/2024 ở mức 2.450 USD/ounce.

Theo Ngân hàng Nhà nước, giá vàng thế giới tăng cao do các nguyên nhân chính sau: Vàng là hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao, là tài sản cất trữ được ưa chuộng đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế, địa chính trị biến động; tâm lý của giới đầu tư bị ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, sự kiện ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ và một số ngân hàng Mỹ phá sản; ngân hàng Trung ương các nước tăng cường mua vàng bổ sung cho dự trữ ngoại hối.

Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế từ 2021 đến nay. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014-2021, từ cuối năm 2021 tới nay chênh lệch giá so với thế giới tăng cao và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (~25%). Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát chênh lệch giá vàng

Nguyên nhân chênh lệch giá vàng ở mức cao so với thế giới: Giá vàng quốc tế tăng cao; từ 2014, Ngân hàng Nhà nước không cung thêm vàng miếng SJC. Mặc dù trong các năm 2021, 2022 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới bắt đầu có xu hướng tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước không thực hiện can thiệp thị trường do vàng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; ngoại tệ cần phải được ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu của đất nước.

Các kênh đầu tư khác gặp khó khăn: thị trường bất động sản ảm đạm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bế tắc, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp...; không loại trừ khả năng tồn tại việc thao túng thị trường, trục lợi, kinh doanh trái pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông; kịp thời chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường; làm tốt công tác truyền thông về các giải pháp, định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường; việc đấu thầu vàng, bán vàng trực tiếp là các biện pháp can thiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể (ngày 1/8/2024, chênh lệch khoảng 4,32 triệu đồng/lượng).

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch; kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động