Thời tiết 2020 sẽ nóng hơn, khô hạn hơn, bão lũ tập trung vào cuối năm
Năm 2020 có nền nhiệt cao nhưng ít ngày nắng nóng gay gắt hơn 2019
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua.
Năm 2020 được dự báo sẽ là một trong những năm nóng hơn trung bình, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.
Ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở nhiều tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm, thậm chí chưa từng xảy ra; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên.
Nhận định chung cho thấy, năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước; mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ.
Dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ TBNN, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019.
Năm 2020 là năm có nền nhiệt độ cao, với giá trị nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN khoảng 0.5 đến 1.5 độ C ở khu vực phía Bắc đất nước; 0.1 đến 1.0 độ C ở phần lãnh thổ phía Nam. Số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt dự báo không nhiều như năm 2019.
Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.
Lũ trên các sông ở Bắc Bộ và vùng hạ lưu các sông ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên và thượng lưu các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3; hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình ở dưới mức BĐ1. Trên các sông ở khu vực Tây Nguyên mùa lũ đến muộn hơn so với TBNN.
Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại đầu nguồn sông Cửu Long; mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9/2020.
Mùa đông 2020/2021 có khả năng bắt đầu sớm, các đợt KKL sẽ hoạt động mạnh dần từ tháng 10/2020 và gia tăng tần suất hoạt động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 04 đợt triều cường cao vào các ngày 18-21/9, 15-19/10, 14-18/11 và 13-17/12 với độ cao triều cường có thể trạm mốc kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng.
Đầu tư dự báo khí tượng thủy văn để giảm thiệt hại về kinh tế
Theo tính toán của WMO và Ngân hàng Thế giới (WB): “Đầu tư 01 (một) đồng cho KTTV sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, từ việc giảm thiệt hại về kinh tế xấp xỉ 28-30 đồng”, chưa tính đến thiệt hại về sinh mạng con người.
Những năm qua, công tác dự báo KTTV đã góp phần quan trọng làm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Thông tin, dữ liệu KTTV đã khẳng định được vai trò, giá trị là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội; phục vụ công tác quản lý, điều hành chính sách, lập chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh những kết đạt được, hoạt động KTTV cũng còn những tồn tại như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình xây dựng, chưa đầy đủ làm ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực KTTV; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn chế về khoa học công nghệ, mạng lưới trạm còn thưa, trình độ của cán bộ, kinh phí còn hạn hẹp, sự phát triển của kinh tế - xã hội, tham gia của các hoạt động KTTV chuyên dùng, cơ chế tài chính, nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước có hạn, sự thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong hoạt động KTTV còn hạn chế,… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo, cảnh KTTV phục vụ phòng chống thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Những thiên tai xảy ra vừa qua ở các tỉnh miền núi là đều do hậu quả của bão lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Các thiên tai này đều diễn ra ở phạm vi cực hẹp, có khi chỉ ở trong phạm vi 1.000m2. Việc dự báo các thiên tai ở phạm vi hẹp là điều rất khó khăn trong khả năng của khoa học và điều kiện của ta. Muốn dự báo được, ngoài những thông tin như mưa, gió, ẩm, áp phải có thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư…
Do vây, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; Trung ương phải đưa ra những thông tin nền, chỉ dẫn cho địa phương nhận dạng được những biểu hiện, khả năng của lũ quét, sạt lở đất; địa phương phải khai thác triệt để hệ thống phòng chống thiên tai, có thông tin hai chiều kịp thời từ địa bàn có nguy cơ cao và chính những người dân trong cộng đồng".
Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành KTTV trong phòng chống thiên tai, phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới là đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV để làm sao tăng tính tự chủ của ngành, giảm sự phụ thuộc kinh phí Nhà nước đầu tư cho ngành KTTV để tăng cường hiệu quả đầu tư.
Trong bối cảnh phát triển mới, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo..., thông tin, dữ liệu KTTV với tính chất là dữ liệu đầu vào, tài nguyên số cho phát triển bền vững càng có vai trò, vị trí không thể thiếu.
Trong báo cáo của mình, Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương xem xét có đầu mối của đơn vị để theo dõi, đánh giá và tích hợp các vấn đề về thông tin, dữ liệu KTTV trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực nhằm phát triển bền vững và phòng chống thiên tai.