Thấy gì từ việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?

Việc đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) được huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chú trọng. Nhờ đó, năm nay, chùa Hương đã có thêm một mùa lễ hội an toàn, văn minh và hiện đại.
Lễ hội chùa Hương 2024: Triển khai bán vé điện tử Hơn 1 triệu du khách tham quan chùa Hương mùa lễ hội 2023 Nô nức trẩy hội “nối dài” nét văn hoá truyền thống Hôm nay, khai hội chùa Hương

Hiện đại hơn, quy củ hơn và… nhàn hơn

Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng và là lễ hội dài nhất trong năm ở khu vực miền Bắc. Trong những năm qua, để thu hút du khách, UBND huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý (BQL) Di tích và thắng cảnh đã đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan, dịch vụ… Nhờ đó, năm 2023, chùa Hương đã đón hơn 1 triệu lượt du khách.

Năm nay, công tác đổi mới quản lý lễ hội tiếp tục được UBND huyện Mỹ Đức, BQL di tích và thắng cảnh Hương Sơn chú trọng, đầu tư. Cụ thể, theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, những người làm công tác quản lý lễ hội chùa Hương năm nay “nhàn hơn” bởi mọi quy định đã đi vào nề nếp, đặc biệt là việc vận chuyển khách trên suối Yến đã thật sự khiến du khách hài lòng. Đò vận chuyển trong lễ hội chùa Hương năm 2024 do HTX Dịch vụ du lịch chùa Hương quản lý thay vì chủ đò tự đón khách như những năm trước.

Thấy gì từ việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?
Tại các trạm kiểm soát vé nhờ ứng dụng công nghệ nên không còn cảnh du khách chen lấn, xô đẩy mà trở nên quy củ và trật tự hơn.

"Trước đây, 4.000 lái đò cứ đi mời chào từ ngoài đường, gây ra mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến mỹ quan, thiếu văn minh. Năm nay, các lái đò được sắp xếp lần lượt, ngày nào đông, có lái đò được vận chuyển 2 lượt/ngày. Điều này đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người khi tham gia vào HTX. Trên đò, chúng tôi yêu cầu các lái đò tuân thủ quy định về trang phục màu cam nên dễ dàng nhận diện và tạo nên sự đồng bộ, dễ kiểm soát” – ông Hiển nhấn mạnh.

Thấy gì từ việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Tiếp đó, khách vào được hướng dẫn gửi xe vào bến bãi rồi từ đây xuống các bến đò. Tại các bến đò, Ban Quản lý bố trí 10 trạm kiểm soát vé, nhờ lắp đặt quét mã QR, ứng dụng công nghệ không chỉ du khách trật tự mà còn rất minh bạch, tránh thất thoát.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng quy định thời gian vận chuyển khách từ thứ Hai đến thứ Sáu là 5h-20h; thứ Bảy và Chủ nhật 4h-20h; đồng thời niêm yết công khai giá dịch vụ đò hai chiều năm nay tăng, đi tuyến Hương Tích 85.000 đồng một người (tăng 35.000 đồng), tuyến Long Vân - Tuyết Sơn 65.000 đồng (tăng 30.000 đồng); giá vé thắng cảnh là 120.000 đồng một người mỗi lượt.

Lý giải việc không chở đò đêm, Trưởng ban BQL Di tích và danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho hay: “Việc không chở khách đêm khiến người lái đò cũng như các bộ phận khác được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, đồng thời Ban tổ chức cũng có thời gian thu dọn vệ sinh, phục vụ cho ngày hôm sau tốt hơn”.

Thấy gì từ việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?
Du khách xuôi dòng suối Yến, trảy hội chùa Hương

Nói thêm về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường suốt mùa lễ hội, ông Hiển cho hay, từ năm 2023, BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã chuyển toàn bộ rác từ trong khu vực trong ra ngoài, không để lưu giữ rác của du khách ở phía trong đền, chùa, suối Yến. Ngày nào đông du khách thì có chừng 4 chuyến thuyền vận chuyển rác thải ra ngoài để đảm bảo môi trường, cảnh quan khu di tích được sạch đẹp.

Ứng xử ngày càng văn minh

Ghi nhận của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô tại chùa Hương ngày 3/4/2024 cho thấy, từ trụ sở UBND xã Hương Sơn và các bãi đỗ xe đã không còn cảnh mời chào, chèo khéo du khách phản cảm như nhiều năm trước. Một phần là do địa phương đã bố trí phân luồng, điều hướng du khách đến đúng bãi đỗ xe theo quy định. Đồng thời, điều này cũng cho thấy nhận thức về ứng xử với khách du lịch của người dân nơi đây đã nâng lên rõ rệt.

Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Tính, chủ trọ tại xã Hương Sơn chia sẻ: “Năm nay, khách đến trọ có giảm hơn. Một phần vì người đi hội ít hơn, phần nữa là do phương tiện giao thông và các tuyến đường đến đây cũng thuận lợi hơn nên chủ yếu khách đi hội trong ngày. Tuy nhiên, công tác đổi mới lễ hội khiến người dân chúng tôi cũng hài lòng hơn. Chẳng hạn, chủ đò không phải lo chèo kéo khách mà ai cũng có công việc, đến lượt thì đì chèo đò, chưa đến lượt thì làm việc khác chứ không phải trông chờ cả ngày như mọi năm. Bản thân tôi cũng hiểu được, giờ lễ hội diễn ra khắp nơi, muốn tồn tại được, để có công ăn việc làm quanh năm thì dịch vụ phải tốt, mình phải đối xử với khách văn minh để họ còn quay lại”.

Thấy gì từ việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?

Không chỉ ở phía bên ngoài, dọc 2 bên bờ suối Yến và điểm soát vé bên trong, công tác tuyên truyền về ứng xử văn minh dành cho du khách cũng được Ban Quản lý liên tục thông báo trên hệ thống loa truyền thông. Đặc biệt, ở mùa lễ hội năm nay, Ban Quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã đặt Backdrop, lắp màn hình LED cỡ 36m để tuyên truyền công tác tổ chức lễ hội, lịch sử khu danh thắng hoặc các biển bảng gắn mã QR, hiện thị sơ đồ để khách tiện tìm hiểu thông tin về danh thắng.

Thấy gì từ việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?
Hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại các trạm kiểm soát vé giúp cho công tác quản lý lễ hội của chùa Hương ngày càng quy củ và hiện đại

GS.TS Từ Thị Loan, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế sau dịch COVID -19 đã khiến du khách tìm đến các điểm du lịch tâm linh trong mùa lễ hội năm nay ít đi. Không chỉ chùa Hương mà Yên Tử, Tam Chúc, Bái Đính… cũng trong tình trạng chung là giảm số lượng khách tham dự. Tuy vậy, những đổi mới về công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở chùa Hương trong 2 năm nay rất đáng ghi nhận và cần nhân rộng ra các di tích khác.

Đánh giá chung của tôi là, mùa lễ hội năm nay ở mọi nơi diễn ra rất an toàn, văn minh, hiện đại. Không còn cảnh tranh giành khách phản cảm và lễ bái xô bồ, khói hương nghi ngút. Dù lượng khách tại các lễ hội nói chung đều giảm nhưng mọi người dân tham gia lễ hội đều trong không khí vui tươi, phấn khởi.

Theo chia sẻ của ông Hiển, từ đầu mùa lễ hội đến ngày 3/4/2024, di tích, danh thắng chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức) đã thu hút khoảng gần 800.000 khách tham quan; giảm khoảng 80.000 khách so với năm ngoái.

Cũng theo ông Hiển, dù còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực, song huyện Mỹ Đức và Ban Quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn vẫn duy trì chủ trương chú trọng công tác quản lý.

Được biết, UBND huyện Mỹ Đức đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương). Trong đó, mục tiêu là năm 2025, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch cấp thành phố. Năm 2030, chùa Hương sẽ thành Khu du lịch quốc gia, là một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô và cả nước, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Thái Sơn - Quỳnh Giang
Phiên bản di động