Nô nức trẩy hội “nối dài” nét văn hoá truyền thống

Mỗi dịp đầu xuân năm mới, người dân đất Việt lại rộn ràng trẩy hội. Sự góp mặt, hưởng ứng của số đông bạn trẻ khiến lễ hội càng thêm tưng bừng, “nối dài” nét văn hoá truyền thống.
Chính thức khai mạc lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2023 Chương trình "Hào khí Đông A" - Ấn tượng, khơi dậy niềm tự hào và sức xuân rạng rỡ Lễ hội đền Đông Cuông chính thức ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Tham gia vào các lễ hội truyền thống là một phong tục đẹp của người Việt. Năm nay, đầu xuân thời tiết trong cả nước đẹp lý tưởng, rất thích hợp với các hoạt động ngoài trời. Sáng sớm ngày 1/2, Vũ Hoàng Yến (trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cùng hai người bạn hành trình lên Yên Bái cho kịp lễ khai mạc lễ hội đền Đông Cuông ở huyện Văn Yên.

Hoàng Yến cho biết, những năm gần đây, cô đều tham gia lễ hội Đông Cuông. Vào mỗi dịp đầu năn, cô vừa về Yên Bái tham gia lễ hội, vừa thăm ông bà ngoại.

“Mình được biết, Mẫu Thượng ngàn tại Đông Cuông là đỉnh cao của sự ngưng kết, chắt lọc, kết hợp giữa tín ngưỡng thờ thần rừng, gắn nền kinh tế nông nghiệp với hình tượng Mẫu mẹ. Tham gia lễ hội, sau phần lễ, chúng mình tham gia phần hội với các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, ném còn, đánh yến, đấu vật, hát chèo với đủ sắc màu các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng... rất thú vị”, Hoàng Yến chia sẻ.

Lễ hội làng Sình
Đông đảo người dân tham gia trẩy Hội vật làng Sình

Theo cô gái trẻ, lễ hội là một “bảo tàng sống” được sáng tạo, trao truyền và giữ được sức hấp dẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếp văn hóa dân gian tại các lễ hội chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại để thế hệ hôm nay hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Hành trình vào Thừa Thiên - Huế tham gia Hội vật làng Sình - làng Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế, Nguyễn Văn Dũng (quê ở Nghệ An) rất vui. Hội vật làng Sình ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, còn là hoạt động thể thao góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Dũng kể, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã nô nức đi trẩy hội vật làng Sình. Cả bốn khán đài quanh sới vật đều chật kín người xem. Những màn đấu vật cân sức giữa các chàng trai to khỏe, lực lưỡng khiến người xem thót tim khi các đô vật liên tục tung ra những đòn, chiêu nhằm hạ gục đối thủ xuống sân cát.

Du khách thập phương đến chùa Hương
Du khách thập phương đến chùa Hương

Hội vật này khác hẳn với hội vật ở một số làng quê khác, bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày Tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ.

“Mình tham gia hội này vừa du xuân, vừa cổ vũ cho anh bạn đô vật. Chuyến du xuân, trẩy hội vật làng Sình đầu năm đã rất vui và để lại cho mình nhiều ấn tượng. Có lẽ năm sau, mình sẽ lại hành trình vào Huế để du xuân”, Dũng bày tỏ.

Lễ hội chùa Hương năm 2023 diễn ra từ ngày 23/1-23/4/2023 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng 3 âm lịch). Đây không chỉ là lễ hội du xuân thông thường mà còn có ý nghĩa rất lớn, ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ của Bắc bộ…

Hội chùa Tam Chúc
Tham gia lễ hội giúp cân bằng đời sống hiện thực và tâm linh, hướng về điều tốt đẹp

Bạn Nguyễn Thuỳ Dương (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) đã có mặt ở Lễ hội chùa Hương. Thức dậy từ 5h sáng, di chuyển quãng đường khoảng khá xa bằng xe máy để tới chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) đi lễ dịp đầu năm. Dương chia sẻ, cảm nhận đầu tiên của cô là các con đường trong thôn xóm đến suối Yến phong quang, mặc dù du khách rất đông nhưng không còn cảnh ách tắc cục bộ. Cũng giống như Dương, hàng vạn du khách thập phương đổ về chùa Hương để đi lễ đầu năm, cầu mong năm mới an lành, hạnh phúc.

Chen chân đông đúc, cô gái trẻ phải đứng xếp hàng từ sáng, chờ chừng 1 - 2 tiếng mới lên được cáp treo để vào động Hương Tích. Hương nói: “Dù khá vấy vả nhưng mình vẫn rất hoan hỉ mỗi lần đến hội chùa Hương. Đây là lễ hội kéo dài nhất cả nước (đến hết tháng 3 âm lịch), thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm, trong đó có rất đông người trẻ. Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp mình đến với chùa Hương”.

Theo cô gái trẻ, tham gia lễ hội giúp cô cân bằng đời sống hiện thực và tâm linh, hướng về điều tốt đẹp, cao cả. Đó là nơi lưu giữ và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau, làm cho văn hóa của chúng ta trường tồn, đảm bảo sự thống nhất.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động