Thầy cô nỗ lực vừa dạy học, vừa phòng chống dịch

Rà soát F1, báo cáo hàng ngày cho nhà trường, chuyển lớp dạy để khử khuẩn mỗi khi phát hiện F0; Vừa dạy học sinh trên lớp, vừa kiểm soát các em học online, phối hợp phòng chống dịch, hỗ trợ dạy thay khi đồng nghiệp bị cách ly… đó là công việc hằng ngày của các thầy cô giáo hiện nay.
Vĩnh Phúc: Tặng thưởng 5 thầy cô giáo tích cực triển khai chương trình PSE trong trường học “Thưa thầy cô, chúng em đã sẵn sàng!” Người thầy 'chuyển đổi số' và sự bất biến của đạo nghĩa thầy - trò

Những giáo viên "3 trong 1"…

Cô Tạ Thị Cúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, trường THCS Ba Đình cho biết, một ngày của cô rất vất vả. Cô vừa phải dạy lớp trực tuyến, trực tiếp và kết hợp cả hai hình thức… “Có hôm tiết 1, tôi dạy trực tiếp, tiết hai lại dạy trực tuyến lớp khác, sang tiết 3 lại tất tả chạy về lớp mình chủ nhiệm để dạy trực tiếp rồi livestream cho các bạn ở nhà học online… Cả ngày tôi quay cuồng giữa trực tiếp và trực tuyến, chạy hết lớp nọ đến lớp kia…”, cô Cúc chia sẻ.

Lớp học trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại trường THCS Ba Đình
Một buổi học trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại trường THCS Ba Đình

Nhiều giáo viên cũng tâm sự, những hôm có tiết đầu tiên phải livestream trên lớp thì thầy cô phải đi sớm để chuẩn bị thiết bị, kết nối bài giảng… công việc gấp 3, 4 lần bình thường.

Học sinh đến trường trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, bản thân giáo viên luôn lo lắng về sức khỏe của bản thân và cả học trò. Vì vậy, ngoài chuyên môn, các thầy cô luôn hỏi han, động viên tinh thần học sinh để các em tự phòng chống dịch, hào hứng, phấn khởi khi đi học trực tiếp. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng kiêm luôn cả người tư vấn, hướng dẫn cho phụ huynh và học sinh về phòng chống dịch.

Cô Cúc cho biết thêm: “Nếu như dạy online thì tôi chỉ cần nhắc nhở các con bật cam để theo dõi nhưng khi dạy kết hợp rất khó quản lý học sinh trực tuyến. Chúng tôi cố gắng tương tác, hỏi bài nhiều hơn để các học sinh luôn tập trung bài giảng”.

Giáo viên vất vả hơn khi dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay
Giáo viên vất vả hơn khi dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay

Có thể thấy, trong điều kiện hiện nay, dạy khối nào cũng vất vả nhưng giáo viên Toán, Văn, Anh của khối 9 thì vất vả hơn cả vì vừa phải tranh thủ khi học sinh đi học trực tiếp để bổ sung kiến thức bị hổng, vừa phải dạy kiến thức mới… Các thầy cô luôn cố gắng để học sinh đảm bảo kiến thức thi vào lớp 10 và sẵn sàng chuẩn bị tâm thế chuyển sang dạy trực tuyến bất cứ lúc nào…

Hiệu trưởng sẵn sàng vào dạy trực tiếp

Được biết, đón học sinh trở lại học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các trường đang phải thực hiện nhiều công việc ngoài chuyên môn. Ngoài đón học sinh, kiểm tra thân nhiệt, xử lý các tình huống khi phát sinh F0, F1 hoặc những em có biểu hiện nhiễm COVID-19, cuối buổi, các trường còn phải khử khuẩn phòng học để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.

Cô Đặng Thị Ngọc Hường, Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nhà trường cùng lúc phải tổ chức dạy trực tiếp và trực tuyến, củng cố kiến thức cho học sinh. Hàng ngày, nếu phát sinh giáo viên là F0, F1 thì trường phải có phương án thay thế, đổi giáo viên từ dạy trực tiếp sang trực tuyến...

Các thầy cô luôn hỗ trợ nhau khi đồng nghiệp bị cách ly
Các thầy cô luôn hỗ trợ nhau khi đồng nghiệp bị cách ly

Vất vả nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp. Các thầy cô vừa dạy vừa tuyên truyền phòng chống dịch, quản lý học sinh học cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm lớp phải làm công tác tư tưởng tới phụ huynh để cha mẹ yên tâm đưa con tới trường...

Theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ, công việc của nhà trường hiện nay nhiều hơn bình thường. Dù vất vả hơn nhưng hiệu trưởng đã phân công rõ ràng việc làm của từng bộ phận, từng cá nhân.

"Bản thân thầy cô trong Ban Giám hiệu luôn thích ứng với mọi tình huống, nếu có giáo viên là F0, thầy cô Ban Giám hiệu có chuyên môn nào sẵn sàng vào chuyên môn đó để đứng lớp luôn. Sáng nay tôi đã vào dạy trực tiếp 2 tiết Văn thay một cô giáo đang là F1 phải cách ly. Các thầy cô đều sẵn sàng tương trợ nhau vào các tiết trống…”, cô Thủy nói.

Đoàn Thanh niên, y tế trường học căng mình phòng chống dịch

Cô Đỗ Lệ Quyên, Bí thư Chi Đoàn trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ, các anh chị trong Đoàn Thanh niên ngày nào cũng đến từ rất sớm, công việc cũng tăng nhiều hơn. Các anh chị phải đo thân nhiệt, phân luồng, hướng dẫn học sinh, nếu em nào có biểu hiện bất thường thì lập tức xử lý theo các phương án đã đề ra…

Trong giờ trống, thầy cô phải đi kiểm tra sổ đo thân nhiệt, thiết bị y tế trong lớp; Giờ ra chơi nhắc nhở học sinh không tụ tập, thực hiện quy định phòng chống dịch; Cuối giờ ở lại phân luồng, nhắc loa để từng lớp lần lượt ra về.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải dạy học, hỗ trợ các thầy cô bị cách ly không thể dạy trực tiếp, dạy thêm các bạn là F0 học online buổi chiều…

Lực lượng Đoàn Thanh niên trường THCS Nguyễn Công Trứ hỗ trợ đo thân nhiệt cho học sinh tại cổng trường
Lực lượng Đoàn Thanh niên trường THCS Nguyễn Công Trứ hỗ trợ đo thân nhiệt cho học sinh tại cổng trường

Với công tác y tế trong trường học, hàng ngày nhân viên y tế kiểm tra, đo thân nhiệt của học sinh ngoài cổng trường, nhắc nhở học sinh rửa tay sát khuẩn, tự phòng chống dịch. Khi xảy ra các tình huống có F0, F1 trong trường, nhân viên y tế nhanh chóng xử lý theo kịch bản; Ngoài ra còn kiểm tra, báo cáo số liệu hàng ngày..

Cô Nguyễn Thị Thu Hoài, nhân viên y tế trường THCS Nguyễn Công Trứ cho biết: “Tôi lo các học sinh đi học trở lại bị lây nhiễm chéo; Lo các em không thực hiện đúng quy định phòng chống dịch mà tiếp xúc với nhau rồi khi có F0, không biết các em lây từ đâu… Dù công việc y tế trong trường học làm theo quy trình, kịch bản nhưng vẫn không tránh khỏi vất vả, áp lực”.

Công tác phân luồng từ cổng trường của trường THCS Nguyễn Công Trứ
Công tác phân luồng học học sinh từ cổng của trường THCS Nguyễn Công Trứ

Thời gian này, không chỉ giáo viên, y tế, Đoàn Thanh niên mà cả nhân viên văn phòng, lực lượng bảo vệ của các trường cũng phải kiêm thêm nhiều việc trong công tác phòng chống dịch.

Có thể nói, đi học trở lại trong điều kiện dịch bệnh, các thầy cô đều vất vả nhưng tất cả đều cùng nhau cố gắng khắc phục mọi khó khăn. Vì họ cho rằng, dạy trực tiếp có hiệu quả hơn và quan trọng là được gặp học sinh sẽ vui hơn...

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động