Thái Nguyên: Kiên quyết không bao che sai phạm về đất đai và khai thác khoáng sản
Ngày 26/8, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cùng các các sở, ban, ngành đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo báo cáo, trong 8 tháng năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chỉ đạo Sở TN&MT tham mưu để xử lý nghiêm, không bao che đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và khoáng sản. Ảnh: CTTĐTTN |
Cụ thể, Sở TN&MT Thái Nguyên đã tổ chức thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính cho toàn bộ 178 xã, phường, thị trấn; đo đạc, xác định ranh giới đối với diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại và trả ra trên địa bàn tỉnh; Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thái Nguyên.
Tính đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh đã thu tiền sử dụng đất đạt 2.180 tỷ đồng, vượt 318% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 84% dự toán giao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 142 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước đến hết tháng 7 là trên 707 tỷ đồng. Về cơ bản, các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản đã chấp hành các quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 142 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Ảnh minh hoạ |
Về công tác bảo vệ môi trường, Sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật về môi trường, trong đó tập trung vào những cơ sở có nguy cơ ô nhiễm cao, cơ sở thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường cho giai đoạn 2021 - 2025; phê duyệt Dự án nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường tự động, gồm 06 trạm quan trắc nước mặt và không khí tự động tại các khu vực có nguy cơ cao, nâng tổng số trạm quan trắc tự động lên 09 trạm, với tổng kinh phí 60 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Sở TN&MT cần quan tâm công tác quản lý mỏ khoáng sản; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, ô nhiễm môi trường từ các trang trại, gia trại chăn nuôi;
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên chỉ đạo xử lý các vi phạm về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là trong khai thác mỏ khoáng sản và tuyệt đối không bao che cho các sai phạm. Ảnh minh hoạ |
Cơ quan chức năng tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách, chú trọng giải quyết một số điểm ô nhiễm môi trường mà cử tri đã kiến nghị; tham mưu đúng, sát thực tế về công tác định giá đất, giá mỏ.
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đánh giá cao kết quả thực hiện của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước được giao.
Đồng thời, trong thời gian tới, Sở cần chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian qua |
Ngoài ra, các đơn vị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác mỏ khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm và tuyệt đối không bao che cho các sai phạm;
Đồng thời, cơ quan chức năng tập trung giải quyết các tồn đọng liên quan đến đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản; tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Bên cạnh đó, Sở cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường; phối hợp với các ngành, địa phương để giải quyết ngay các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để kéo dài.