Thái Nguyên: Chủ tịch UBND TP Sông Công phản hồi về vụ “kê khai trên giời, đền bù nhầm lẫn”
Cụ thể, trong số các hộ nhận quyết định thu hồi đất có hộ gia đình ông Dương Văn Nhất và ông Dương Văn Nhì (địa chỉ tại xóm Làng Vai, xã Tân Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Gia đình ông Nhất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ - sổ đỏ) đất tại thửa 48, sau đó tách làm 2 thửa 48A và 48B (cho con trai tên là Nhì - PV). Sổ đỏ do PCT UBND TP Sông Công – ông Nguyễn Ngọc Lâm ký ngày 31/3/2016.
Trên cơ sở kê khai, kiểm đếm đã thiết lập, UBND TP Sông Công đã ban hành quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 13/9/2018 về việc thu hồi đất và quyết định 1668/QĐ-UBND ngày 13/9/2018 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hộ trợ và tái định cư.
Sau khi nhận quyết định, gia đình ông Dương Văn Nhất, Dương Văn Nhì có đơn khiếu nại lên UBND TP Sông Công, trong đơn nêu rõ: “Trong quyết định thu hồi đất cho dự án đường 36 mét thành phố Sông Công 2, phần diện tích 426m2 trong bìa đỏ của gia đình ông Nhất, ông Nhì lại kê khai bồi thường cho hộ gia đình hộ liền kề là ông Dương Văn Bằng. Diện tích được kê khai thu hồi 426m2 đất cây lâu năm thuộc thửa địa chính số 48 tờ bản đồ 11-II đã được cấp GCNQSDĐ đứng tên ông Dương Văn Nhất, cấp theo bản đồ địa chính năm 1986-1987”.
UBND TP Sông Công tổ chức cưỡng chế khu đất của gia đình ông Dương Văn Nhất, Dương Văn Nhì để thực hiện dự án.
Qua tài liệu trích đo và kết quả kê khai, xác minh trên hồ sơ và thực địa thì có sự vênh lệch. Phần diện tích 426m2 đất nằm trong GCNQSDĐ của gia đình ông Nhất, ông Nhì nhưng trên thực tế lại do hộ gia đình ông Dương Văn Bằng quản lý sử dụng ổn định, không tranh chấp.
Trong buổi làm việc với PV về sự việc trên, Chủ tịch UBND TP Sông Công - ông Lê Văn Khôi cho biết: “Theo quy định về đền bù, sử dụng tài liệu về trích đo trên thực địa làm căn cứ chính để kê khai đền bù. Nếu tài liệu trích đo phù hợp với hồ sơ quản lý thì không vấn đề gì. Tài liệu không phù hợp với hồ sơ quản lý thì phải xử lý sự chênh lệch đó. Khi các bên đồng tình thì kê khai theo tài liệu trích đo trên thực tế sử dụng.
Nếu tài liệu trích đo không khớp với sổ đỏ, các bên sẽ lập biên bản để xác định hiện trạng. Trường hợp không khiếu nại, khởi kiện thì không sao, nhưng có thì đưa vào dạng tranh chấp quyền kê khai đền bù đất”.
Ông Khôi cho biết thêm: Trường hợp gia đình ông Nhất, ông Nhì và ông Bằng kê khai có ranh giới từ lâu và có mối quan hệ thân thiết họ hàng với nhau. Rất nhiều lần các hộ đã bàn với nhau thống nhất trên quan điểm “trích đo thực tế thế nào thì kê khai đền bù như vậy" và đồng ý kê khai theo hiện trạng. Nhưng khi được đền bù, hai gia đình này lại bắt đền bù theo GCNQSDĐ vì cho rằng "không thể đất của gia đình tôi trong sổ đỏ mà lại kê khai cho người khác."
Khu đất gia đình nhà ông Nhất và ông Nhì thuộc dự án đường 36 mét nối khu công nghiệp Sông Công II với QL3 cũ và nút giao Sông Công, Thái Nguyên.
“Tôi đã ra đối thoại 2 lần với các hộ gia đình liên quan tới sự việc trên. Các cơ quan chuyên môn đều thống nhất với việc “kê khai thực tế ra sao thì đền bù như thế”. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc này, bởi nếu sau này gia đình ông Nhất, ông Nhì kiện đất trong sổ đỏ của họ mà các đơn vị lại kê khai cho gia đình khác thì thế nào? Việc này buộc chính quyền địa phương phải đưa vào diện tranh chấp khi có quyền sử dụng đất” – ông Khôi nói.
UBND TP Sông Công cũng đã thực hiện công tác vận động rất nhiều lần, ngoài ra cũng đã có công văn trả lời gia đình ông Nhất, ông Nhì.
Chủ tịch UBND TP Sông Công - ông Lê Văn Khôi trả lời PV Tuổi trẻ và Pháp luật.
Chủ tịch UBND TP Sông Công cũng cho biết: “Toàn bộ diện tích thu hồi cho dự án đường 36 m nối Khu công nghiệp Sông Công II với QL3 cũ và nút giao Sông Công đều thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các quy định kèm theo về kê khai, đền bù, trích đo…
Quy định trích đo phù hợp với GCNQSDĐ, trích đo nhiều hơn thì kê khai đền bù nhiều hơn, còn trích đo ít thì được đền bù ít hơn. Dù có sổ đỏ hay không có sổ đỏ thì vẫn phải trích đo, do Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, xác nhận về mặt pháp lý xem có phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn hay không. Đây mới là căn cứ để kê khai đền bù”.
Ông Khôi khẳng định: “Hồ sơ theo GCNQSDĐ là hồ sơ đã được cấp đất ở đó. Nhưng trên thực tế, tất cả những sổ đỏ được cấp năm 1991 đều là cấp theo kê khai chứ không chính xác 100%. Đến thời điểm hiện tại tỉnh Thái Nguyên vẫn đang triển khai trích đo thực tế. Sẽ phải thu hồi lại sổ đỏ để kê khai lại. Ngày xưa do kê khai, thứ hai do biến động về ranh giới nên có sự chênh lệch rất nhiều.
Khu Công nghiệp Sông Công II.
Về việc đền bù cây cối, hoa màu, đúng quy định của Nhà nước thì không được đền bù 100% theo kiểm đếm thực tế, kiểm đếm 507 cây thì không thể đền bù 507 cây nếu không phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật và mật độ cây trồng. Trên cơ sở quy định của Nhà nước, sẽ tính theo mật độ cây trồng và định mức kinh tế kỹ thuật của các loại cây”.
Vị Chủ tịch TP Sông Công cũng cho biết: “Cơ quan chuyên môn thực hiện việc đền bù cho gia đình ông Nhất, ông Nhì không đúng quy định, khi mà một số lượng cây lại không tính đền bù. Khi nhận được thông tin khiếu nại, tôi đã bác kết quả của của cơ quan chuyên môn, tổ chức đền bù lại theo định mức kinh tế kỹ thuật và mật độ cây trồng”.
Theo tìm hiểu của PV, mới đây, UBND TP Sông Công đã tổ chức cưỡng chế việc thu hồi đất của gia đình nhà ông Nhất và ông Nhì để thực hiện dự án theo đúng tiến độ.