Tết của giáo viên “gieo” chữ vùng cao
Người giáo viên khơi nguồn sáng tạo cho học sinh Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 Cô giáo “gieo chữ” ở Bát Mọt và niềm hạnh phúc giản dị Chuyện về người đi gieo hạt ước mơ |
Cô giáo trẻ “say” nụ cười học trò miền sơn cước
Khi cái rét ngọt còn vương trên những cành đào rừng, sương mai trĩu đọng trên những chùm hoa ban, hoa tớ dày cũng là lúc lòng giáo viên cắm bản lại chộn rộn. Không háo hức sao được khi cả năm họ mới có được vài ngày nghỉ để về xuôi đón Tết trọn vẹn cùng gia đình.
Cô giáo Lương Thị Hoa đã có gần 20 năm công tác tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Mồ Dề. Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Hoa kể, 19 năm trước, tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô giáo trẻ khăn gói từ Thái Bình lên Yên Bái theo “tiếng gọi của trái tim”. Lúc đầu, tưởng rằng chỉ tình nguyện lên đây công tác một thời gian ngắn nhưng rồi tiếng khèn, hoa mơ, hoa mận, đặc biệt là những nụ cười trong sáng, hồn nhiên và cả nỗi vất vả, đáng thương của học trò vùng cao đã khiến cô không nỡ bỏ về xuôi.
Cô giáo Lương Thị Hoa đã có gần 20 năm công tác tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Mồ Dề. |
Quyết định lấy chồng, sinh con ở đây, cô giáo trẻ đã chọn Mù Cang Chải là quê hương thứ hai để gắn bó và lập nghiệp. “Mỗi năm, tôi về quê thăm bố mẹ và người thân vào mấy ngày nghỉ Tết. Hồi đầu xa quê, xa bố mẹ, nhiều lúc nhớ nhà, tôi thường khóc một mình nhưng lâu dần thành quen. Hơn nữa, công việc ở trường bận rộn cuốn tôi đi với những bài giảng, trang giáo án, với vai trò vừa làm thầy vừa làm mẹ của học trò khiến một năm qua đi nhanh chóng. Tết đến lúc nào cũng không hay”, cô Hoa tâm sự.
Trường PTDTBT TH&THCS Mồ Dề nằm ở bản Nả Háng, huyện Mù Cang Chải. Trường có 1.093 học sinh, trong số đó, 97% học sinh là dân tộc Mông. Vì đường xa, có em nhà cách trường tới 20km nên gần như 100% ở nội trú. Cứ đầu tuần các em đến trường, cuối tuần thì được về nhà. Thậm chí, nhiều gia đình có đến 3-4 anh chị em cùng học chung ở điểm trường. Cuối tuần, khi bố mẹ bận, không đón được thì chúng tự dắt díu nhau về, có khi tới đêm với về đến nhà. “Nhìn mà thương lắm”, cô Hoa kể.
Những cô giáo trẻ đang ngày ngày gieo chữ ở vùng cao |
Cũng vì thương bọn trẻ nên các thầy cô ở đây như cha mẹ, coi học trò là con. Cô Hoa kể, một ngày, đối với các thầy cô trực bán trú thường bắt đầu từ 6h đến tận gần 22h. “Hôm nào vào ngày trực, chúng tôi phải có mặt ở trường từ 6 giờ sáng. Ngoài việc dạy học, giáo viên còn chăm sóc, hướng dẫn các em từ việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, giúp làm quen từ việc ăn, ngủ, tắm giặt… Nhiều em học lớp 1 chưa quen xa gia đình, đêm đến còn quấy khóc, đòi về với bố mẹ nên thức đêm chăm chúng như con mọn trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Là phụ nữ, chúng tôi được Ban Giám hiệu ưu tiên, các con ổn định chuyện ăn ngủ thì về, còn các thầy giáo phải ngủ ở trường, trông coi học trò suốt đêm”, cô Hoa cho biết. Vất vả thế nhưng tiền phụ cấp trông bán trú của các giáo viên như cô Hoa cũng chỉ được 540.000 đồng/tháng.
Ngổn ngang nỗi niềm, ai tỏ…
Đối với những giáo viên gieo chữ ở vùng cao, nỗi vất vả, gian nan không chỉ vì thu nhập, tiền lương thấp, không đảm bảo được cuộc sống mà còn ở khối lượng công việc khổng lồ vì họ phải đảm đương cùng lúc nhiều việc.
Thầy giáo Phạm Mạnh Dũng - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Mồ Dề chia sẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn đã đành nhưng khó khăn hơn cả là đa số các trường ở miền núi đều thiếu giáo viên. Điều này dẫn đến giáo viên phải thay nhau dạy bổ sung các môn học.
Cô giáo Vũ Thị Thắm trò chuyện với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Trường PTDTBT TH&THCS Mồ Dề có 56 cán bộ, giáo viên, nhân viên, bao gồm cả nhân viên y tế, kế toán và 4 người làm công tác quản lý. Nhà trường thiếu giáo viên đã đành nhưng mỗi năm vẫn phải cử nhân sự đi tăng cường cho các bản ở vùng khó khăn hơn. Bản thân cô Lương Thị Hoa là giáo viên dạy Toán, Lý nhưng vì thiếu giáo viên, cô Hoa còn phải đảm đương dạy cả môn Giáo dục công dân.
Chung tình cảnh đó, thầy giáo Nông Sỹ Ngọc, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Thái An (huyện Quản Bạ, Hà Giang) cho biết, có những nỗi niềm của thầy cô cắm bản không mấy ai tỏ. Ví như ở trường PTDTBT TH&THCS Thái An có 670 học sinh, đa số hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trang thiết bị học tập, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn còn thiếu thốn. Hai trường mới có 1 chiếc ti vi. Phòng học thì mới đây vừa được khánh thành xong, trước đó vẫn là nhà tạm.
Những cô cậu học trò ở vùng cao Tây Bắc |
“Khó khăn đến mấy các thầy cô và học sinh cũng có thể cố gắng khắc phục nhưng đáng lo nhất lại là thiếu giáo viên vì điều này sẽ dẫn đến chất lượng dạy và học không đảm bảo. Trường đang thiếu 5 biên chế giáo viên, vì thế, giải pháp trước mắt là tăng tiết dạy của giáo viên. Có giáo viên theo quy định chỉ dạy 17 tiết mỗi tuần nhưng có khi phải tăng lên 27 tiết. Trong khi đó, thu nhập thì không tăng”, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Thái An tâm tư.
Không chỉ vậy, những nhân viên y tế trường học ở khu vực miền núi cũng đang phải đảm đương một lượng công việc khổng lồ. Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên y tế trường PTDTBT TH&THCS Thái An cho hay, một mình chị phụ trách quản lý hơn 600 học sinh của trường, chưa kể hơn 200 học sinh tại điểm trường mầm non và các thôn bản. “Cứ cách 2 - 3 ngày, tôi lại phải qua các thôn, bản để khám, phát thuốc. Vô số việc phải làm như tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, người dân phòng dịch… đến trực tiếp thăm khám nhưng mức thu nhập của tôi hiện vẫn chỉ 6,4 triệu đồng/tháng”, chị Thúy tâm sự.
Gieo những ước mơ nơi đại ngàn
Trong chuyến công tác cuối năm vừa qua tại Yên Bái, Hà Giang, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã được gặp và trò chuyện với nhiều giáo viên từ dưới xuôi lên công tác và tình nguyện “cắm bản”. Chúng tôi nhận ra, họ có tình yêu mãnh liệt với nghề dạy học. Bởi nếu không, họ làm sao ngày ngày có thể vượt qua được cheo leo vách núi, đường sá hiểm trở, dành cả thanh xuân để đến trường lớp, mang con chữ, gieo ước mơ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số?!
Hạnh phúc của những giáo viên công tác tại vùng cao là mang đến con chữ cho các em nhỏ nơi đây |
Cô giáo Vũ Thị Thắm, quê ở Tuyên Quang, lên công tác tại huyện Quản Bạ đã 14 năm. Kể với chúng tôi, cô Thắm cho hay, bà con dân tộc Mông có nhiều phong tục, lễ Tết. Cứ sau hè, trước và sau Tết, ở đây nhiều lễ hội, điểm trường sẽ vắng trò, các thầy cô phải tìm đến từng nhà để thuyết phục. Đến nhà thì chỉ gặp bố mẹ, còn các em cứ thấy thầy cô là trốn biệt. Chưa kể, tâm lý các em học sinh cấp 2, 3 chưa ổn định, nhiều em còn sẵn sàng… ăn lá ngón nếu áp dụng các biện pháp kỷ luật cứng rắn. Do đó, vượt đường xa để vận động người dân cho con em đến trường để đảm bảo duy trì sĩ số lớp học cũng là thách thức vô cùng lớn đối với các thầy cô ở đây.
“Tết đến, nhiều thầy cô ở các trường vùng cao được nhận quà có khi là 200.000 đồng của Công đoàn trường nhưng thực lòng, món quà mà chúng tôi ao ước chính là nhìn thấy học trò mình trở lại trường đầy đủ sau kỳ nghỉ Tết, để lớp không vắng, trường lại vang tiếng nói cười của những gương mặt quá đỗi thân quen”, cô Thắm bộc bạch.
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) |
Sùng Thị Đinh - cô học sinh giỏi của trường PTDTBT TH&THCS Thái An có đôi mắt đen láy, to tròn cùng làn da trắng hồng vừa qua đã được nhận học bổng của báo Tuổi trẻ Thủ đô vì thành tích vượt qua khó khăn, có kết quả học tập xuất sắc. Hồn nhiên bày tỏ với phóng viên niềm mơ ước trở thành bác sĩ, Đinh nói: “Em thích học tiếng Anh lắm. Em ước mơ trở thành bác sĩ nên sẽ chăm chỉ học tiếng Anh, để được đi học đại học dưới Hà Nội, sau này còn chữa bệnh cho bà con trong bản”. Chúng tôi hiểu rằng, chắp cánh cho ước mơ của cô trò nhỏ này không ai khác mà chính là những thầy cô giáo đang ngày ngày vượt lũ, băng sương, ngược núi để gieo chữ, bồi đắp tri thức cho thế hệ tương lai, góp phần mang đến diện mạo tươi sáng cho các thôn bản.