Cô giáo “gieo chữ” ở Bát Mọt và niềm hạnh phúc giản dị
Tình yêu nghề mãnh liệt của cô giáo nơi “rừng sâu nước độc” Chuyện về người đi gieo hạt ước mơ Người "chở chữ" cho đời bằng cả tâm huyết và sáng tạo |
Tự học tiếng dân tộc để hiểu học trò
Cô Đặng Thị Hương sinh ra ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố cô mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi con ăn học. Không phụ công lao của mẹ, vượt qua tất cả thử thách, cô Hương duy trì, tiếp nối truyền thống hiếu học.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, cô xin về công tác tại trường Tiểu học Bát Mọt 1, xã Bát Mọt - vùng đặc biệt khó khăn, biên giới xa xôi, hẻo lánh của huyện Thường Xuân. Những ngày mới vào nghề của cô Hương cũng là lúc bà con nơi đây còn muôn vàn khó khăn. Lớp học là nhà tranh vách nứa, trang thiết bị thiếu thốn. Học sinh dân tộc thiểu số, với 100 % là con hộ nghèo.
Cô giáo Đặng Thị Hương |
Tuy vậy, bằng tình yêu nghề, sự thấu hiểu những khó khăn của học sinh, cô Hương không ngừng nỗ lực để dạy chữ, động viên trò đến lớp chuyên cần. Dù điều kiện dạy và học khó khăn nhưng mỗi giờ lên lớp, cô đều tìm phương pháp hay, gần gũi với tập quán sinh hoạt, đời sống văn hóa người dân tộc thiểu số, để học trò dễ tiếp thu bài.
Học sinh ở đây đến lớp, phần lớn giao tiếp bằng tiếng dân tộc, dẫn đến rào cản ngôn ngữ. Vì vậy, để các em có thể tiếp thu bài học, trong quá trình giảng dạy, cô Hương tự học tiếng dân tộc, hỗ trợ học sinh. Khi gặp những từ khó hiểu, giáo viên có thể sử dụng song ngữ giảng giải cho học trò.
Cô Hương cho biết: “Do nắm bắt được những khó khăn của học sinh, trong mỗi giờ lên lớp, tôi chú trọng việc mở rộng vốn từ, rèn kỹ năng giao tiếp cho các em; tổ chức các buổi ngoại khóa về tiếng Việt, tăng cường hoạt động để học trò được bộc lộ suy nghĩ, mạnh dạn giao tiếp hơn... Từ đó, học sinh giảm hẳn lỗi trong học bài, tự tin phát biểu, tiếp thu bài tốt, đạt kết quả cao”.
Cô Hương trên lớp cùng học trò |
Không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ học trò khó khăn, tìm tòi phương pháp dạy hiệu quả, cô Đặng Thị Hương còn tích cực đến các bản làng, vận động học sinh đi học chuyên cần. Ở xã vùng cao biên giới hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, các em phải đi bộ gần chục cây số để đến lớp. Hơn nữa, học sinh nơi đây hay nghỉ học và bỏ học giữa chừng. Vậy là, cô lại lặn lội hàng chục cây số, đến tận nhà nhiều lần để động viên các em đến trường.
Không phụ lòng chăm lo của cô, học trò đã có nhiều tiến bộ trong học tập, rèn luyện. Chất lượng lớp cô Hương giảng dạy được nâng lên rõ rệt hàng năm. Với tất cả niềm say mê, yêu nghề, cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, trong quá trình giảng dạy, cô được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh có năng khiếu nhiều năm và đã đạt được những thành tích tốt. Từ đối tượng học sinh chưa nói thạo tiếng phổ thông, năm học vừa qua, có em đã đạt giải nhì môn Tiếng Việt cấp huyện.
Niềm vui được nhân lên mỗi ngày…
“Thời gian thoi đưa, mới ngày nào ở lứa tuổi đôi mươi, lần đầu đặt chân tới bản làng biên giới nhận công tác, đến nay, tôi đã có hơn 20 năm vì sự ngiệp trồng người trên mảnh đất xa xôi. Nhiều đồng nghiệp đến trường công tác rồi chuyển đi, biết bao cuộc hội ngộ, chia li… nhưng với sự cảm thông, chia sẻ và tình cảm gắn bó sâu nặng với bà con nơi đây, hơn hết là tình yêu thương học trò, nhiệt huyết muốn “mang cái chữ lên non” nên tôi không nỡ rời xa mảnh đất này”, cô Hương bộc bạch.
Cô giáo Hương ân cần giảng dạy học trò |
“Tình thầy trò thời nay dù có đổi thay so với trước đây nhưng vẫn là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp. Tôi yêu nghề giáo mà mình đã lựa chọn, yêu những ánh mắt thơ ngây của bao nhiêu học trò đang khát khao vươn lên từ những khó khăn, vất vả, cho ngày mai tươi sáng”, cô giáo Đặng Thị Hương bày tỏ. |
Cô Hương quan niệm, sống như thế nào, ở đâu không quan trọng mà quan trọng là có thể góp một phần công sức nhỏ cho quê hương, đất nước; đem lại không chỉ tri thức cho học trò mà còn phải cho các em niềm vui, niềm hi vọng trong cuộc sống hằng ngày.
Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng cô luôn cố gắng để vượt lên tất cả, làm đúng trách nhiệm, bổn phận của một nhà giáo. Cứ như thế những hạnh phúc, niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học được nhân lên mỗi ngày.
Hằng ngày, những người giáo viên như cô vẫn đối diện với rất nhiều áp lực nhưng vượt lên tất cả là bổn phận và thiên chức của một người thầy tận tụy vì sự nghiệp phát triển nền giáo dục nước nhà.
Nữ nhà giáo bày tỏ: “Hằng ngày đến lớp, nhìn những khuôn mặt non nớt của học trò như chờ đợi mình giảng bài mà niềm vui xốn xang đến lạ. Cả một đời dạy các cô, cậu học trò đầy mộng mơ, hồn nhiên, bỗng dưng cảm thấy mình như người “không có tuổi”, hạnh phúc vô cùng”.
Mỗi đêm cô Hương lại soạn bài, bên những tập kiểm tra của trò, lặng lẽ đọc, tỉ mẩn sửa cho các em từng dấu câu, từng lỗi chính tả, từng phép tính… Có lúc cô bực mình khi gặp bài làm của một vài em cẩu thả, học hành chểnh mảng, ham chơi nhưng tình yêu nghề, trách nhiệm của một người giáo viên mà cô luôn bên cạnh, giúp đỡ các em thay đổi, trưởng thành.
Những vui, buồn của nghề cứ chợt đến, chợt đi hết năm này qua năm khác. Mỗi khi nghỉ hè không phải đứng lớp, ở nhà một thời gian ngắn thôi, cô Hương cũng cảm thấy buồn và nhớ khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên, cả lúc quậy phá của trò…
Cô giáo Đặng Thị Hương là một trong những tấm gương tiêu biểu được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. |