|
Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, thực hiện các nghi thức cúng lễ tổ tiên, cúng lễ các vị thần trong đời sống tâm linh, hay gặp gỡ, trao đổi, giao lưu văn hóa qua các lễ hội, trò chơi dân gian… tất cả đã làm nên nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc người Mông. |
|
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, anh Đinh Xuân Tứ (đến từ Thái Nguyên) cho biết: “Mặc dù là người dân tộc Tày nhưng tôi lại có một niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa dân tộc người Mông, vì vậy tôi hy vọng lời ca tiếng hát của mình sẽ là sợi dây kết nối văn hóa của đồng bào dân tộc Mông đến với cả nước". |
|
Theo lời kể của anh Tứ, dân ca Mông được chia thành 5 tiếng hát: tiếng hát tình yêu “gầu plềnh”, tiếng hát cưới xin “gầu xống”, tiếng hát làm dâu “gầu ua nhéng”, tiếng hát mồ côi “gầu tú giua”, tiếng hát cúng “gầu tùa”. Mỗi làn điệu được dùng cho những ngữ cảnh khác nhau với những cách thể hiện, diễn xướng và nội dung khác nhau. Trong số đó “gầu ua nhéng” có lẽ là làn điệu được biết đến nhiều hơn cả. |
|
Nội dung được thể hiện trong bài hát của đồng bào dân tộc người Mông đều được lấy cảm hứng từ những chất liệu cuộc sống thường ngày, phản ánh chân thực về con người, công việc, tình yêu, đời sống... Những câu hát đơn giản, chân chất như chính con người miền núi, nhưng lại đặc biệt gần gũi, sâu sắc về ý nghĩa mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào. |
Những âm điệu trong trẻo, cao vút đặc trưng vùng cao như mây ngàn, gió núi của dân ca Mông
|
"Đối với đồng bào dân tộc người Mông, Tết là dịp rất đặc biệt, bởi, họ là những người sinh sống trên các rẻo núi cao, mỗi gia đình thậm chí cách nhau 2 - 3 quả núi. Vì vậy, chỉ khi Tết đến xuân về họ mới được gặp nhau trong những phiên chợ Xuân, các ngày hội làng để giao lưu, bày tỏ tình cảm, trao cho nhau những lời ca, tiếng hát, tiếng khèn, dành cho nhau những lời chúc sức khỏe, những tình cảm đằm thắm nhất", anh Tứ bày tỏ. |
Là người con dân tộc Tày, chị Mai Thị Hoa (quê ở ATK Định Hoá, Thái Nguyên) hiện đang sinh sống ở làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải cho biết, mỗi dịp Tết đến xuân về trong làng của chị tất cả mọi người đều chung tay gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc Tày với nhiều hoạt động ý nghĩa.
|
Chị Mai Thị Hoa quê ở ATK Định Hoá, Thái Nguyên |
|
Chị kể, trong những ngày Tết, dù là người già hay trẻ, dù là nam hay nữ thì tất cả mọi người đều cùng nhau ngồi lại quây quần và tự tay chuẩn bị những món bánh truyền thống, đặc trưng của dân tộc như: Bánh chưng Tày, bánh gù, bánh khảo, chè lam… |
|
Theo chia sẻ của chị Hoa, vào ngày 27, 28 tháng Chạp âm lịch, các gia đình dân tộc Tày đã nhộn nhịp thịt lợn, gói bánh chưng. Những con lợn to nhất được chọn thịt trong ngày tết. Thịt lợn sẽ được chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng của người Tày như: thịt lam, thịt treo gác bếp, lạp sườn, thịt ướp muối gừng… và dùng để gói bánh chưng. Người Tày gói bánh chưng dài chứ không gói bánh chưng vuông như người Kinh, ngoài ra bà con còn gói cả bánh chưng gù. |
"Một chiếc bánh chưng hoàn hảo được tạo ra là khi có sự kết hợp hài hoà của những tàu lá dong xanh mướt, gạo nếp phải là loại nếp hái được chọn từng bông ngoài ruộng, cùng với đó là thịt lợn béo, đỗ xanh, dùng lạt giang để buộc", chị Hoa cho hay.
|
Cùng với đó, ngày tết cũng là dịp để bà con dân tộc Tày tự tay làm những sợi dây ngũ sắc may mắn, quả cầu, quả còn ngũ sắc. |
|
Bàn thờ là nơi được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất và được trang trí bởi đôi bàn tay khéo léo của những cô con gái ở trong gia đình. Ngoài việc dọn dẹp, người dân tộc Tày còn trải một tờ giấy đỏ ở bàn thờ với hy vọng một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Bốn chân bàn thờ được buộc bốn cây mía, với quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống về nhà ăn tết cùng gia đình. |
Vào thời khắc Giao thừa chào đón năm mới, người Tày sẽ thực hiện thắp nén hương thơm, dâng rượu lên bàn thờ gia tiên, rót rượu mời và chúc ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi.
Giống với phần lớn các dân tộc khác, đêm giao thừa cũng là lúc ông bà, cha mẹ mừng tuổi, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
|
Trẻ con dân tộc Tày cực kỳ yêu thích trò chơi xích đu do chính bố mẹ mình thiết kế từ những vật liệu quen thuộc |
Với quan niệm "bỏ đi cái rủi của năm cũ, đón tài lộc, may mắn của năm mới", sang sáng mùng 1 Tết, mọi người sẽ dậy sớm đi lấy nước tại một nơi có nước trong sạch và đặt cành lá đào lên trên bát nước vừa lấy về rồi dâng lên bàn thờ.
|
Không gian sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày |
Lý giải về điều trên, bà con dân tộc Tày nói, lá đào dùng để tẩy những gì không tốt, ô uế, bắt đầu lại bằng một nguồn nước thanh thủy. Các cụ dùng để rửa mặt, rửa tay từ ngày mùng 1 đầu năm mới vạn sự tốt lành, trong như nước nguồn này. Cùng với đó, bà con dân tộc tày kiêng sát sinh, không quét nhà và họ sẽ mang lễ vật ra miếu để cúng thần thổ công, để thần phù hộ cho năm mới làm ăn thuận lợi, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, gia đình gặp nhiều may mắn.
|
Hàng xóm láng giềng đi chơi Tết và gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp, họ cùng chia sẻ những niềm vui trong năm cũ và chúc cho năm mới sẽ có nhiều may mắn. Họ sẽ cùng nhau nâng chén rượu men lá làm cho không khí ngày xuân trên các bản làng người Tày càng thêm ấm cúng, rạo rực. |
|
Gia đình người Tày đang cùng nhau quây quần bên bếp lửa, chồng nướng cá chuẩn bị cho bữa tối, vợ lau lá, trông nom con nhỏ |
|
Chè lam, bánh khảo là món quà không thể thiếu vào mỗi dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc người Tày |
Ngày Tết là dịp để lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, đậm tính nhân văn của các dân tộc và mỗi dân tộc trên đất nước ta lại là một mảnh ghép tạo nên sự đa dạng trong phong tục ngày Tết cổ truyền.
Không khí đầm ấm, vui tươi của ngày Tết luôn là khoảnh khắc không thể quên của mỗi người. Tết cổ truyền mãi là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, là văn hóa tuyệt vời nhất cần được lưu truyền và gìn giữ.