Tây Nguyên thiệt hại hơn một ngàn tỷ đồng sau đợt bão lũ
Mưa lũ gây ngập cục bộ nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (Ảnh Hoài Phạm) |
Theo ghi nhận mới nhất, trước nguy cơ vỡ đập Thủy điện Đăk Kar (tỉnh Đắk Nông), chính quyền đã di dời khẩn cấp khoảng 5.000 người dân thuộc tỉnh Bình Phước. Sau khi nước rút, người dân đã trở về nhà.
Hiện nay, mực nước hồ đang giảm. Tính đến thời điểm 6h30, ngày 11/08 mực nước hồ ở +473,73m (thấp hơn cao trình đỉnh đập 6,77m, dưới cao trình MNDBT 1,27m), giảm 4,27m so với thời điểm mực nước cao nhất và 2,22m so với sáng 10/8. Cửa tràn bên trái đã nâng được 0,8m/8,5m, cửa tràn bên phải đã nâng được 0,6m/8,5m.
Mưa kéo dài nhiều ngày khiến tình trạng sạt lở đất liên tục xảy ra (Ảnh: Hoài Phạm) |
Hiện Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đang tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar.
Đồng thời, theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng để đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Lực lượng chức năng và người dân tập trung đào bới để tìm kiếm căn nhà bị đất vùi lấp tại Đăk Nông (Ảnh Hoài Phạm) |
Theo số liệu thống kê hiện tại, số người tử vong gồm 10 người ở các tỉnh: Gia Lai; Đắk Lăk; Đắk Nông; Kom Tum; Lâm Đồng. Người bị mất tích ở Đồng Nai; người bị thương: Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Có trên 3.880 nhà ở bị ngập nước (ở các tỉnh Đắk Lắk; Đắk Nông; Bình Phước; Đồng Nai; Bình Thuận; Gia Lai; Lâm Đồng) và gần 1.440 nhà phải di dời (Đồng Nai; Lâm Đồng; Đắk Lắk).
Nước ngập chia cắt nhiều khu vực (Ảnh: Hoài Phạm) |
Thiệt hại về nông nghiệp khoảng 25.710ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm, cây trồng hàng năm và cây ăn quả; 121.040 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Cùng với đó, giao thông, thủy lợi và thủy sản cũng thiệt hại hết sức nặng nề.
Theo Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai ước tính, tổng thiệt hại 1.002 tỷ đồng.