Tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh
Cần nhiều giải pháp đặc thù bảo vệ môi trường cho Thủ đô Nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn Hà Nội rà soát việc đấu thầu thu gom rác thải trên địa bàn |
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ
Thực hiện Công văn số 4449/SGD&ĐT – CTTT-KHCN ngày 8/12/2023 của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ngày 25/12, trường Tiểu học Đoàn Kết đã tổ chức Ngày hội bảo vệ môi trường: Tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; ra mắt nhà phân loại rác thải; mô hình “Phân loại rác học đường nâng bước bạn tới trường”.
Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên) phát động tổ chức Ngày hội bảo vệ môi trường cho học sinh toàn trường tham gia |
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Liễu – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là dịp để tuyên truyền, lan tỏa tới cộng đồng về nhận thức trách nhiệm và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, ô nhiễm môi trường; giáo dục ý thức, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cho các em học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Nằm trong khuôn khổ diễn ra Ngày hội, nhà trường đã đồng thời cho ra mắt, triển khai có hiệu quả mô hình nhà phân loại rác thải: “Phân loại rác học đường nâng bước bạn tới trường”.
Nhà phân loại giác của thầy và trò trường Tiểu học Đoàn Kết |
Tại sự kiện, 1.413 em học sinh đã hưởng ứng tích cực các hoạt động giáo dục về môi trường, từ đó từng bước định hướng thói quen tiêu dùng xanh tại các trường học, xây dựng ý thức hạn chế đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Với mô hình “Phân loại rác học đường, nâng bước bạn tới trường”, nhà trường phát động học sinh toàn trường sẽ cùng phân loại những tờ giấy vụn, giấy báo, sách cũ bỏ đi và bỏ vào thùng rác theo đúng quy định.
Đại biểu tham gia chương trình cảm thấy vô cùng ấn tượng với các sản phẩm mà học sinh làm ra từ vật liệu bỏ đi |
Đội “Cờ đỏ” có nhiệm vụ thu gom những giấy vụn tại thùng đựng giấy vụn vào mỗi chiều thứ 6. Các em sẽ phân công nhau thu gom, cân, ghi chép sổ sách, bán lấy kinh phí cho vào lợn đất tiết kiệm.
Hoạt động này còn trang bị cho học sinh kĩ năng làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch, bàn bạc, phân công nhiệm vụ, ghi chép sổ sách. Đặc biệt, toàn bộ số tiền tích góp được sẽ gửi tặng những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm lan tỏa tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”.
Các đồng chí lãnh đạo trao lợn đất, sổ ghi chép cho Đội cờ đỏ |
Thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh
Trong dịp này, học sinh toàn trường đã được cung cấp những thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, cảnh báo những hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam và trên thế giới; cùng nhau chia sẻ những mô hình, phần việc, cách làm hay của thầy và trò trong việc bảo vệ môi trường.
Các bạn học sinh khoác lên mình những bộ trang phục được làm từ việc tái chế rác thải nhựa |
Tại Ngày hội, nhiều loại vải, túi nylon, ống hút nhựa... đã được thầy trò nhà trường tái chế và biến tấu thành những bộ quần áo, phụ kiện đẹp mắt. Việc làm này nhằm khuyến khích các bạn học sinh trong nhà trường biết cách tận dụng những món đồ đã qua sử dụng, bỏ đi và biến chúng thành trang phục, trang sức và các sản phẩm nghệ thuật khác.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, em Thanh Hương (Lớp 5A1, trường Tiểu học Đoàn Kết) bày tỏ niềm hạnh phúc khi được tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng thành trang phục độc đáo. "Mỗi món đồ thầy cô và chúng em làm ra từ các sản phẩm tái chế đều khiến em thấy mình đã góp phần giúp trường học sạch hơn và duy trì bầu không khí trong lành hơn".
Những đồ vật được tái chế từ rác thải bỏ đi của thầy và trò nhà trường |
Em Văn Bình nhấn mạnh: "Khi tái chế rác thải thành các đồ dùng sinh hoạt hay những bộ quần áo, em nghĩ đây chính là một trong những pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, cho cuộc sống thêm xanh - sạch - đẹp".
Học sinh Thanh Hương (bên trái) và Văn Bình (bên phải) làm MC của “Bản tin truyền hình thời tiết” tại chương trình |
Ngày hội giúp học sinh hiểu ra rằng, chỉ cần một hành động nhỏ, các em đã có thể góp phần làm cho môi trường xung quanh trở nên xanh hơn. Ví dụ, tắt điện khi không sử dụng; dọn dẹp vệ sinh lớp học, khuôn viên nhà ở; hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon... Từ đây, chính các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên nhí tích cực, lan tỏa lối sống xanh tới người thân và cộng đồng.