Tầm quan trọng của quan trắc môi trường với doanh nghiệp hiện nay

Quan trắc môi trường giúp chúng ta theo dõi được sát sao những biến đổi của môi trường, tránh được những nguy cơ gây ô nhiễm hay suy thoái môi trường...
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quan trắc môi trường
Hệ thống quan trắc môi trường tại Nhà máy xi măng Yên Bái
Hệ thống quan trắc môi trường tại Nhà máy xi măng Yên Bái

Đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống quan trắc môi trường

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Nhà máy xi măng Yên Bái thuộc Công ty CP xi măng và khoáng sản Yên Bái (trụ sở tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết: Hiểu rõ tầm quan trọng của hệ thống quan trắc môi trường với doanh nghiệp nên thời gian qua, đơn vị đã đầy tư hàng tỷ đồng xây dựng và lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Đức cho hay: "Việc quan trắc môi trường giúp cho quản lý tốt chất lượng về môi trường, hạn chế những ảnh hưởng xấu của hoạt động sản xuất tới sức khỏe người lao động. Hoạt động quan trắc cũng giúp cho nhà máy chúng tôi tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu để sản xuất clinke, điện năng tiêu thụ và giá thành sản phẩm cũng được giảm đáng kể. Bên cạnh đó việc quan trắc môi trường nhằm giúp cho môi trường quanh nhà máy và các vùng lân cận trở nên xanh, sạch và đẹp”.

Ông cũng chia sẻ thêm, trước đây, khi đơn vị chưa thực hiện quan trắc môi trường thì còn nhiều hạn chế trong việc quản lý lượng khí thải ra môi trường. Đến nay, những hạn chế này đã được khắc phục. Bên cạnh đó , ý thức bảo vệ môi trường của cán bộ, công nhân viên và người lao động tại nhà máy đã được nâng cao. Mọi hoạt động của nhà máy từ khâu nhập nguyên, nhiên liệu, vật tư đến vận hành thiết bị để ra sản phẩm xi măng đã được cải tiến, thay đổi để không những đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất mà còn phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường.

“Trong quá trình quan trắc, nhà máy cũng sẽ điều chỉnh được các thông số vận hành để tiết kiệm chi phí sản xuất xi măng như bột liệu, than, điện... mà vẫn đảm bảo được các tiêu chí về môi trường. Ngoài ra, khi quan trắc môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm bắt và theo dõi dễ dàng hơn công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy, xí nghiệm trên địa bàn”, ông Đức nói.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng với doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn tồn tại một số thách thức.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường còn chưa đầy đủ; Hệ thống các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong quan trắc môi trường còn chưa đồng bộ và nhiều bất cập nên nhiều khi khiến cả cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp lúng túng.

Kinh phí dành cho hoạt động quan trắc môi trường còn hạn chế so với nhu cầu đặt ra. Do đó, các chương trình quan trắc môi trường quốc gia chưa được tăng cường cả về điểm, thông số và tần suất quan trắc, dẫn đến tình trạng chưa phát hiện kịp thời tình trạng ô nhiễm, bị động trong xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, kinh phí duy trì hoạt động, bảo trì, vận hành các thiết bị quan trắc cũng không được cấp đầy đủ dẫn đến tình trạng một số thiết bị đã được đầu tư nhưng không có kinh phí để bảo trì, vận hành gây hỏng hóc, lãng phí.

Hệ thống trang thiết bị phục vụ quan trắc và phân tích môi trường được đầu tư thiếu tính đồng bộ trong toàn hệ thống, làm ảnh hưởng đến chất lượng số liệu, nhiều kết quả quan trắc và phân tích khó tích hợp và khó so sánh được với nhau.

Công tác bảo đảm an toàn lao động cho các cán bộ quan trắc môi trường chưa được chú ý đúng mức; Còn thiếu các chế độ, chính sách cho người lao động làm việc trong môi trường đặc thù (phụ cấp độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm...); Công tác phổ biến thông tin môi trường cho cộng đồng còn chưa được triển khai rộng rãi, thường xuyên; Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng chưa được chú trọng thực hiện dẫn đến chất lượng số liệu còn chưa cao…

Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia

Bà Mai Loan, Công ty CP cơ khí môi trường ETM đánh giá: “Quan trắc môi trường là hoạt động then chốt, không thể thiếu trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Đây là một quá trình đo đạc thường xuyên một hoặc nhiều chi tiêu về tính chất vật lý, hóa học và sinh học của các thành phần môi trường, theo một kế hoạch lập sẵn về thời gian, không gian, phương pháp và quy trình đo lường, để cung cấp các thông tin cơ bản có độ tin cậy, độ chính xác cao và có thể đánh giá được diễn biến chất lượng môi trường.

Với mỗi hoạt động của nhà máy, xưởng sản xuất hoặc các tòa nhà, khu công nghiệp phát thải đều phải lập báo cáo giám sát quan trắc môi trường định kì theo cam kết bảo vệ môi trường hoặc theo đánh giá tác động môi trường ĐTM”.

Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm Việt Nam dùng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, thải ra hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, 630.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn hạn chế.

Sự phát triển kinh tế, đặc biệt các hoạt động sản xuất công nghiệp, đã dẫn tới sự gia tăng các tác động xấu tới môi trường. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường luôn là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Do đó, quan trắc môi trường là một trong những hoạt động không thể thiếu và có vai trò vô cùng quan trọng, để hướng tới một mục tiêu phát triển bền vững môi trường hiện nay, mỗi chúng ta cần thực hiện tốt những nội dung liên quan tới lĩnh vực này, đồng thời cùng chúng tay bảo vệ, phát triển môi trường ngày một vững mạnh.

Chính vì vậy, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg về việc “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020”, với mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước, đồng bộ, tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển mạnh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp đó, đến ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thay thế quyết định số 16/2007/QĐ-TTg với mục tiêu “Xây dựng được hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và các ngành kinh tế kỹ thuật khác; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Thông qua những yêu cầu cụ thể từ các chính sách, tình hình quan trắc môi trường của nước ta đang được chú trọng hơn, là vấn đề thiết yếu của mỗi dự án. Đây cũng là một trong những hoạt động bắt buộc của nhiều doanh nghiệp, công ty, nhằm đảm bảo tốt nhất tình trạng của môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Những năm gần đây, hoạt động quan trắc tự động, liên tục ở Việt Nam đã bước đầu được chú ý, góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian. Hệ thống còn giúp xác định nhanh/phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường, từ đó, kịp thời, đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ môi trường, hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách.

Tuy vậy, số lượng, quy mô và mật độ các trạm còn thưa và phân bố không đồng đều nên chưa phản ánh được đầy đủ, kịp thời bức tranh hiện trạng môi trường không khí. Việc ứng dụng các công nghệ quan trắc hiện đại đã triển khai nhưng còn chậm. Công tác duy trì vận hành các trạm tự động gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu dữ liệu phục vụ công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc tăng cường, mở rộng, đưa vào vận hành mạng lưới các trạm tự động một cách hợp lý, duy trì hoạt động ổn định, lâu dài nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác và có hệ thống các dữ liệu về chất lượng môi trường không khí, thông tin kịp thời cho các cấp, các ngành phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách hiện nay. Qua đó, tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí các khu vực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường không khí nói riêng và quan trắc môi trường nói chung ở nước ta sớm hội nhập với hệ thống quan trắc môi trường trong khu vực và toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tự động hiện đại, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương sẽ xác định chính xác nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm… là bước tiến quan trọng trong giám sát môi trường. Thông qua giám sát hiệu quả nguồn ô nhiễm có thể cung cấp thông tin cho việc quyết định phương án kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và ứng phó với sự cố môi trường không khí (nếu có).

Đối với từng địa phương, cần phải tính toán chi tiết, cụ thể hơn về các yếu tố có thể gây ra ô nhiễm không khí, đánh giá được vùng bị tác động ô nhiễm, khu vực có mật độ dân cư tập trung… để đặt các trạm quan trắc môi trường không khí. Từ đó, có trách nhiệm cung cấp liên tục các số liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe để người dân có thể giám sát được những thay đổi về môi trường không khí và đưa ra các khuyến cáo cần thiết.

Về lâu dài, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố khi đầu tư, lắp đặt trạm quan trắc tự động cần lựa chọn thiết bị công nghệ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, tương thích với hệ thống trạm quan trắc quốc gia tự động. Đồng thời, cần có khung chính sách, pháp lý để quy định và phân rõ chức năng, nhiệm vụ trong việc cung cấp các số liệu quan trắc môi trường không khí giữa Trung ương và địa phương; việc cung cấp những số liệu phục vụ đời sống dân sinh cũng như các số liệu kỹ thuật chuyên môn cao phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, để đưa ra những đánh giá, định hướng phục vụ công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội.

Đức Mậu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động