Tái thiết Sa Ná, khảo sát, quy hoạch để tránh thảm họa
Những ngày này, các đoàn cứu trợ đang nối nhau lên lên bản Sa Ná (Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) để chia sẻ với bà con vùng lũ. Sau đợt lũ quét bất ngờ hôm 1/8, Sa Ná đã tan hoang. Điều không may nhất đã đến với 10 gia đình khi 4 người đã ra đi vĩnh viễn và 6 người còn đang mất tích.
Không chỉ Sa Ná tan hoang mà bản Son ở thượng nguồn suối Son, cách Sa Ná 1,9km cũng bị lũ cuốn hàng chục ngôi nhà. Tổng thiệt hại của huyện Quan Sơn sau cơn lũ dữ là 120 tỷ đồng.
Cái cây giữa suối đã cứu mạng ông Chon và người ra cứu ông. Ảnh: Hoàng Hoài Linh |
Trong cơn lũ khủng khiếp ngày hôm ấy, đã có những kì tích: Ông Hà Văn Chon đã trèo lên đồi tránh lũ dữ. Vì muốn quay lại cứu vợ mà ông bị lũ cuốn cách xa nơi ở gần 4km và bị mắc lại trên ngọn cây giữa dòng nước lũ và được 1 thanh niên cứu. Nhưng may mắn như ông Chon là hiếm hoi. Đối với người dân mất người thân thích ruột thịt thì nỗi đau mãi không nguôi.
Ông Chon (áo xanh), người may mắn thoát chết trong cơn lũ dữ. Ảnh: Hoàng Hoài Linh |
Theo chị Hoàng Hoài Linh, một thành viên của đoàn thiện nguyện Tổng cục Khí tượng Thủy Văn vừa lên Sa Ná ngày 20/8: "Từ sự tàn khốc ở Sa Ná thì từ nay trở đi thì sự cảnh giác, chủ động tìm hiểu thông tin, tự ứng cứu sẽ luôn túc trực trong mỗi người dân".
Đoàn thiện nguyện trao quà cho người dân Sa Ná. Ảnh: Hoàng Hoài Linh |
Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (ĐC&KS) đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại suối Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Họ kiến nghị không tái định cư cho người dân bản Sa Ná tại khu vực đã xảy ra lũ quét và trong các khu vực thường xuyên ngập nước, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét. Cùng với đó, trong quy hoạch tái định cư cho dân cư các vùng ven sông, suối cần đặc biệt tránh các bãi bồi cao với hệ thống suối quanh co bên cạnh. Đây không phải là những khu vực được quy hoạch để xây dựng các công trình dân sinh.
Nhờ vậy, bản Sa Ná đã và đang được gấp rút tái thiết ngược về dòng Suối Son hơn 2,5km. Thế nhưng còn nhiều lắm những bản làng vùng cao cũng nằm ngay rìa các khe suối trên khắp Việt Nam này và những mối hiểm nguy vẫn sẽ luôn rình rập ngày đêm.
Một chuyên gia Jica Nhật Bản, ông Tanaka, khi đi thực địa tại Sa Ná đã phát biểu: "Hiện trạng ở Sa Ná rất khủng khiếp và ở nhiều vùng cao Việt Nam cũng như thế này, thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, không ai có thể nói được là thiên tai sẽ xảy ra ở đâu, khi nào, cụ thể như thế nào. Do vậy Việt Nam cần có những khảo sát với những dữ liệu cụ thể, chi tiết về những khu vực như này để có thể đưa ra những cảnh báo sớm nhất..."
Bà con cần thông tin cảnh báo về thiên tai liên tục, thế nhưng khi cán bộ Tổng cục Khí tượng Thủy văn hỏi chuyện thì những người được hỏi đều nói họ không có thông tin gì về mưa lũ.
Cán bộ thôn bản thì nói xóm Sa Ná không có một thiết bị loa đài công cộng nào bởi không có điện và không có sóng điện thoại. 4/9 xóm của xã Na Mèo không có trang thiết bị âm thanh loa đài thông tin.
Theo chị Hoàng Hoài Linh, sau cuộc họp đúc rút kinh nghiệm, có 200 cái kẻng hiệu lệnh thiên tai sẽ được tài trợ cho Thanh Hóa để phục vụ ngay cho mùa mưa bão lũ ở vùng cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau mỗi trận lũ quét bắt buộc phải quy hoạch lại thì mới bảo đảm được cuộc sống người dân. Nhưng giá như việc khảo sát, quy hoạch và di dời cư dân ra khỏi vùng nguy hiểm được làm triệt để từ trước thì thảm họa đã không xảy ra.